MÙA XUÂN NHỚ BÁC
08/01/2023 11:21:23 SA

Xuân về trên quê Bác
 
Mỗi độ xuân sang, thời khắc giao hòa của đất trời với bao cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa của những khởi đầu mới với bao ước mơ và hy vọng. Đối với mỗi người dân Việt Nam, mùa xuân không chỉ là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Vì thế, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, cả nước nô nức đón chào năm mới, mừng đảng ta thêm tuổi mới, nhân dân ta, lại càng thêm nhớ đến Bác Hồ - Người đã dành cả cuộc đời mình tô thắm cho những mùa xuân đất nước.
Nhớ về mùa xuân của 93 năm về trước, Xuân Canh Ngọ năm 1930 - khi đất nước đang chìm đắm trong màn đêm nô lệ, tại Hương Cảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, trực tiếp sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một mốc lớn, là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước. Từ mốc son ấy, cả dân tộc đoàn kết, bền lòng phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng lập nên những kỳ tích vang dội. Sự ra đời của Đảng là kết quả của những tháng năm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bôn ba tìm đường cứu nước và chuẩn bị kỹ lưỡng những điều kiện cho việc thành lập một chính đảng cộng sản ở Việt Nam. Kể từ đó, mùa xuân và Đảng như quyện chặt nhau. Mùa xuân cho ta cuộc sống mãi xanh tươi, đó là tình cảm thiêng liêng, sâu thẳm của mỗi con Lạc cháu Hồng đất Việt. Còn Đảng cho ta những mùa Xuân tự do, hạnh phúc. Cụm từ “Mừng đảng - mừng xuân” đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam mỗi độ Tết đến xuân về.
Cũng vào mùa xuân năm 1941, (ngày 28/1/1941 tức Mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), sau 30 năm xa Tổ quốc, Bác Hồ qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Việt Nam. Bác về nước đúng vào mùa Xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở. Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
          Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
          Bác về… Im lặng. Con chim hót
           Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…
Bác về nước - là một sự kiện lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa Xuân thắng lợi. Đó là mùa xuân lần thứ hai, lịch sử lại gắn Bác với Đảng, với vận mệnh của dân tộc.
          Một năm sau, Tết Nhâm Ngọ 1942, tại hang Cốc Bó, Bác đã làm bài thơ chúc năm mới đầu tiên in trên báo Việt Nam độc lập số 114, ngày 1-1-1942. Bài thơ có 10 câu, ý tưởng về lá Quốc kỳ đã được tượng hình:
Chúc toàn quốc ta trong năm này/Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!/Năm này là năm rất vẻ vang/Cách mệnh thành công khắp thế giới.
Mùa Xuân Bính Tuất năm 1946, là mùa xuân độc lập đầu tiên của nước ta sau hơn 80 năm bị đô hộ. Mặc dù bận trăm công ngàn việc của một chính quyền còn non trẻ, đối phó với thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, nhưng Người vẫn dành thời gian để viết thư làm thơ chúc Tết và đi chúc Tết một số gia đình nghèo tại Hà Nội, trong thư gửi cho thanh niên và nhi đồng ngày 20/01/1946 Người viết:“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Bác còn khuyên bảo thanh niên “Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước VNDCCH”. Người còn viết “Thư chúc mừng năm mới” toàn thể đồng bào, được đăng toàn văn trên Báo Cứu Quốc (ra ngày mùng 3 Tết).Trong thư Người kêu gọi: “Trong khi đồng bào ở hậu phương đốt hương trầm để thờ phụng tổ tiên, thì các chiến sỹ ở tiền phương dùng súng đạn để giữ gìn Tổ quốc. Trong khi đồng bào ở hậu phương rót rượu mừng xuân, thì các chiến sỹ ở tiền phương tuốt gươm giết giặc... chúng ta quyết không để cho bọn thực dân trở lại đè nén chúng ta”. Và cuối thư Bác viết mấy câu thơ kèm theo cả khẩu hiệu:
“Trong năm Bính Tuất mới/Muôn việc đều tiến tới/Kiến quốc mau thành công/Kháng chiến mau thắng lợi/Việt Nam độc lập muôn năm”.
Ngoài ra, Bác còn viết thơ chúc Tết phụ nữ Việt Nam in trên báo Tiếng gọi phụ nữ; thư chúc Tết Việt kiều ở Lào, Xiêm; thơ chúc Tết báo Quốc Gia của các cụ nhân sỹ yêu nước Hà Nội: Tết này mới thật Tết dân ta/Mấy chữ chào mừng báo Quốc Gia/Độc lập đầy vơi ba cốc rượu/Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Sau mùa xuân độc lập đầu tiên của dân tộc, xuân Bính Tuất 1946, cả dân tộc ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, và năm nào Bác cũng làm thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Mỗi năm cứ đến khoảnh khắc  giao thừa, nhân dân khắp ba miền đất nước lại hồi hộp, xúc động chờ đón giây “phút thiêng liêng lắng nghe thơ Người”. Những vần thơ chúc Tết, chào đón mùa xuân của Bác luôn gieo vào lòng mọi người niềm tin thắng lợi của ngày mai, đó cũng là biểu hiện của tinh thần lạc quan cách mạng của người cộng sản.  Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác đã nói: "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cũng bắt đầu từ những ngày đầu mùa xuân năm 1954. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chấm dứt gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Xuân Kỷ Dậu năm 1969, Bác Hồ gửi thơ chúc Tết đồng bào, đồng chí bằng tất cả tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất. Đây cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác gửi toàn dân, toàn quân ta: “Nǎm qua thắng lợi vẻ vang/Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”.
Lời thơ đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta. Đúng 6 năm sau, cũng vào mùa xuân năm 1975, với “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử, nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời mong ước cuối cùng của Bác trước lúc đi xa: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Mùa xuân nối tiếp những mùa xuân, mấy chục năm qua, vững bước theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Sau 35 năm Đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một đất nước có nền kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế đa dạng, có tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng lớn và cân đối trong tổng thể nền kinh tế quốc dân. Quy mô nền kinh tế đạt trên gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người hơn 3.700 USD năm 2021; quy mô thương mại đạt 670 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao[1]. Đặc biệt, năm 2022 vừa qua, nước ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid 19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2022 cho thấy, ước tính GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm 2021 - vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Theo Báo cáo thường niên “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mức 23 tỷ USD trong năm 2022.[2]

Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung quan hệ ổn định, bền vững với các đối tác cả ở cấp độ song phương và đa phương, trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”…

Một mùa xuân mới lại về trên khắp Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã gặt hái nhiều thành công nhưng còn nhiều gian khó, nhưng chúng ta tin tưởng vững chắc rằng: đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn, chúng ta sẽ đến với bến bờ vinh quang…
         
 
[1]Trích số liệu từ: https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/viet-nam-da-dat-duoc-nhung-thanh-tuu-to-lon-co-y-nghia-lich-su-625287.html

[2]Lấy số liệu từ:https://dangcongsan.vn/kinh-te/10-su-kien-kinh-te-noi-bat-nam-2022-628951.html

Thông tin tham quan

Liên kết website