Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong lòng Làng Hòa An, Cao Lãnh
02/01/2021 10:18:26 SA
Phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc được tọa lạc ở Làng Hòa An Thành phố Cao Lãnh trong không gian yên tĩnh thanh bình của vùng Đồng Tháp Mười. Nơi đây hàng năm đã đón hàng ngàn lượt đồng bào du khách về tham quan tưởng niệm tìm hiểu về cuộc đời và mảnh đất, nơi lưu giữ dấu chân của nhà nho yêu nước, thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh – cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp
 
Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại xã Chung Cự nay là xã Kim Liên huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Sau khi đỗ đạt, làm quan rồi từ quan, thân sinh Bác đã đi nhiều nơi làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo và tuyên truyền phong trào yêu nước trong nhân dân. Ông đến với mảnh đất Hòa An, Cao Lãnh vào năm  1917. Từ đây, cơ duyên cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn bó sâu nặng với con người và mảnh đất Hòa An - Cao Lãnh. 
Sau 2 năm đầu ở Cao Lãnh, cụ Sắc không ở cố cố định mà đi nhiều nơi để hoạt động. Đến 1927 cụ mới chính thức chọn về sống, hoạt động và gắn bó lâu dài với Hòa An. Khi hay tin đó, cụ Lê Chánh Đáng, một nhân sĩ yêu nước, người bạn tâm giao với cụ Sắc đã bàn với nhóm thanh niên yêu nước mời cụ Sắc về ở nhà ông Năm Giáo, một người đàn ông nghèo góa vợ làm nghề chèo ghe mướn. Hàng ngày, Cụ đi bộ ra chợ Cao Lãnh, xem mạch, kê toa, hốt thuốc và đàm đạo cùng  các sỹ phu và các thân chủ ở tiệm thuốc bắc “Hằng An Đường”. Trong suốt quá trình sinh sống và hoạt động tại đây, cụ Sắc bị Nhà cầm quyền Pháp liên tục theo dõi song cụ vẫn đến được nhiều nơi để giao lưu, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Cụ đã sống những năm tháng tuổi già trong tình cảm ấm áp chở che thương yêu của bà con. Lúc cụ lâm bệnh nặng, đông đảo bà con và các anh thanh niên trong tổ Nông Hội Đỏ đặc biệt là cụ Đáng và cụ Năm Giáo ngày đêm túc trực chăm sóc cho cụ. Đến đêm 26 rạng ngày 27/10 năm Kỷ Tỵ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Săc đã qua đời, hưởng thọ 67 tuổi.
Sau khi cụ Phó bảng mất, bà con làng Hòa An đã tổ chức lễ tang cho Cụ tại nhà ông Năm Giáo. Buổi sáng ngày 27/11/1929, lễ an táng Cụ diễn ra trang trọng, có cả người già, phụ nữ và rất đông trẻ con đã đưa Cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Báo “Thần chung” do Diệp Văn Kỳ làm chủ nhiệm – một tờ báo yêu nước tiến bộ xuất bản ở Sài Gòn đã đăng bài viết tưởng nhớ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với nhan đề “Cụ phó bảng Huy tạ thế” ca ngợi tấm lòng nhân hậu vị tha, cuộc đời thanh bạch, giản dị và gần dân của cụ. Cụ Phó bảng mất đi để lại bao niềm tiếc thương cho người dân Nam Kỳ.
Sau ngày cụ Phó bảng qua đời, để hạn chế tầm ảnh hưởng của cụ, cầm quyền Pháp ra lệnh cấm mọi người không ai được phát cỏ quanh khu mộ, chăm sóc mộ. Nhưng mộ Cụ sạt lở chỗ nào thì đêm xuống nhân dân âm thầm đội đá gạch ra lấp lại. Nhân dân Hòa An với tấm lòng kiên trung đã bảo vệ ngôi mộ được vẹn nguyên trong đó có công lao to lớn của các tăng ni Phật tử Chùa Hòa Long, ngôi chùa mà sinh thời cụ thường xuyên đàm đạo với các sư chủ trì việc đời việc nước.
Năm 1954, các đơn vị Bộ đội đã xây dựng ngôi mộ khang trang. Mộ được xây có lan can sắt bao bọc xung quanh, có bia mộ… Tiểu đoàn 311 trước khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc đã viếng mộ, các đồng chí chụp ảnh phần mộ và gửi tặng cho Bác Hồ. Đó chính là những bức ảnh được Bác đặt vào hộp sơn mài màu đen để ở ngăn giá sách cao nhất. Chỉ lúc nào thật vắng, Bác mới giở ra xem, tưởng niệm đến người cha thân yêu của mình.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù luôn có ý định phá bỏ, thủ tiêu mộ cụ Phó bảng, người cha của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Năm 1958, theo yêu cầu Nguyễn Quốc Hoàng tỉnh trưởng tỉnh Kiến Phong đã họp bàn việc di dời hài cốt cụ phó bảng  đi nơi khác,  nhưng thực chất là muốn bốc phá mộ Cụ. Biết được âm mưu đó, bà con Hòa An đã phản đối rất kịch liệt.  Không phá hủy mộ được nên chúng cho người ngày đêm canh gác, bắt bớ bất cứ ai đến sửa sang ngôi mộ. Bà con đã nghĩ ra nhiều cách tổ chức bố trí kết hợp cả lực lượng hợp pháp và lực lượng bí mật, tìm mọi sơ hở của địch mà tiến công: Học sinh, sinh viên từ các nơi nườm nượp đến viếng mộ, nhân dân lừa ép lính gác uống rượu say, tận dụng đêm đen tối trời, chia người đánh lạc hướng giặc để người khác vào quét mộ…, vào những dịp Tết cổ truyền năm nào mộ Cụ cũng được bà con quét vôi và cúng viếng tươm tất. Việc bảo vệ mộ cụ Sắc bấy giờ đã không đơn giản ở chỗ giữ gìn hài cốt một con người mà trở thành một cuộc đấu tranh chính trị thực sự giữa việc kẻ thù muốn nhổ cái đinh ghim vào mắt chúng hòng xóa sạch lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, đối với Bác Hồ với một bên là nhân dân ta vừa bảo vệ lòng tin ở Đảng, ở Bác và còn thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của đồng bào cả nước trước Bác kính yêu.
Ngày15/5/1975 tỉnh Sa Đéc. được giải phóng, một trong những việc đầu tiên là phái đoàn quân dân chính là tổ chức viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một cách trang trọng. Mặc dù được nhân dân che chở bảo vệ phần mộ Cụ vẫn vẹn nguyên qua hai cuộc kháng chiến nhưng vì ảnh hưởng bởi chiến tranh, nhất là vào năm  Mậu Thân, 1968 có một trái bom nổ gần kề ngôi mộ nên xung quanh bị sạt lở, bia mộ bị hư hại nhiều nhưng nhân dân lấy giấy viết rồi dán lên bia mộ Cụ.
Ngày 19/5/1975 ngày sinh nhật đầu tiên của Bác sau ngày đất nước thống nhất, thật cảm động biết bao hàng vạn đồng bào chiến sĩ Đồng Tháp đã kết xe hoa cờ tổ quốc rước ảnh Bác Hồ về viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đồng bào miền nam đã thực hiện niềm mong ước của Người chưa một lần về thăm mộ của cha.
Giải phóng xong giữa công việc bộn bề nhưng Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp đã  nhận  thấy việc phải làm là xây dựng mộ cụ Phó bảng, xem đó là công việc đền ơn đáp nghĩa đối với Bác kính yêu. Ngày 22/8/1975 Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành khởi công xây dựng Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, ngày 13/2/1977 làm lễ khánh thành. Năm 2010 thực hiện dự án “ Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc”, Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng khang trang đặc biệt đã phục dựng lại một góc làng Hòa An xưa nơi đã gắn bó với cụ Sắc những năm tháng cuối đời.
Về Cao Lãnh hôm nay, ngay giữa trung tâm thành phố là phần mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một công trình mang đậm dấu ấn sinh thái văn hóa của vùng Đồng Tháp Mười được xây dựng rất kỳ công và có ý nghĩa sâu sắc. Che chở ôm ấp lấy phần mộ của cụ là bàn tay yêu thương đồng lòng chung sức của bà con Hòa An, Cao Lãnh đã được cách điệu bằng hình cánh sen có đắp nổi hình tượng chín đầu rồng, tượng trưng cho nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Phía trước mộ là đỉnh trầm có tạc hình hoa sen búp được làm bằng đá cẩm thạch Nghệ Tĩnh. Hồ Sen được xây dựng theo mô hình ngôi sao năm cánh tượng trưng cho hình ảnh tổ quốc Việt Nam. Đài sen trắng ở giữa vươn cao lên tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch giản dị của cụ Phó bảng. Đó là sen của Đồng Tháp Mười và làng Sen quê hương của Cụ.
Trong lần về thăm quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Mẹ của Bác mất ở Huế, miền trung, bố của Bác mất ở Cao Lãnh, miền Nam, quê hương của Bác từ lâu là cả tổ quốc Việt Nam. Quả thực những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã an nghỉ cả ba miền của đất nước. Cha của Bác qua đời và an nghỉ ở Đồng Tháp, mẹ của Bác mất ở Huế được chị gái người đưa về quê hương, anh và chị của Người mất và an nghỉ ở quê nhà. Bởi vậy, đồng bào du khách khi về thăm Kim Liên, quê hương Bác, thăm Khu mộ bà Hoàng Thị Loan vẫn băn khoăn tại sao ông Phó Bảng đến nay vẫn an nghỉ ở Miền Nam. Bởi miền Nam, Hòa An, Cao Lãnh, Đồng Tháp đã là nơi dừng chân cuối cùng của thân sinh Bác, nơi mặc dầu phải xa quê hương hàng ngàn km nhưng cụ Phó bảng vẫn được sống trong tình yêu thương đùm bọc trọn nghĩa vẹn tình của bà con lối xóm, nơi mà trong bom đạn của kẻ thù nhưng vẫn một lòng một dạ gìn giữ vẹn nguyên phần mộ của thân sinh Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và đó cũng là nơi mà ngay sau sau khi kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã đồng lòng đồng sức xây dựng phần mộ của ông khang trang đẹp đẽ. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã yên nghỉ trong lòng Hòa An, Cao Lãnh để ngày ngày con cháu và du khách muôn phương về viếng thăm, tưởng niệm. Nơi đây không chỉ phát huy đạo lý truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” mà còn góp phần khẳng định về những giá trị văn hóa, lòng yêu nước, niềm tôn kính của nhân dân đối với nhà nho yêu nước, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh ./.
                                                                  Thanh Long - BQLKM
 
[1] Nay là đường Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Thành Phố Cao Lãnh
[2] trong Số báo 227 ra ngày thứ hai ngày 23/12/1929
[3] Tháng 2 năm 1976 tỉnh Sa đéc sát nhập cùng tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp
[4] Trích cuốn 105 lời nói chủ tịch Hồ Chí Minh, nxb văn hóa thông tin. 1995
 

Thông tin tham quan

Liên kết website