LỜI RU TRONG TÂM THỨC CỦA BÁC HỒ
06/05/2023 11:37:01 SA

KHU MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN - NƠI YÊN NGHỈ CỦA THÂN MẪU CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Lời ru không chỉ là lời ca và giai điệu để dỗ dành trẻ nhỏ ngủ ngon mà còn là sự thể hiện tâm hồn, tấm lòng, tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm tâm tình của người mẹ với những đứa con thân yêu của mình. Có thể nói lời ru được ví như những “dưỡng chất” bằng tinh thần giúp con phát triển trí tuệ và tâm hồn, là hành trang để con lớn lên trong sự bao bọc, chở che bởi những tình cảm rất tự nhiên và sâu nặng về gia đình, quê hương và xã hội.
Như cố Giáo sư Trần Văn Khê đã đúc kết: "Bài hát ru là bài âm nhạc đầu tiên mà người mẹ truyền sang đứa con của họ - sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn - cùng lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể trẻ, điệu thi ca dân gian sẽ được rót vào tâm thức giúp hình thành tình yêu thương, tự hào về quê hương, đất nước. Những đứa con được mẹ hát ru chính là đứa trẻ giàu tâm hồn và hạnh phúc nhất". 
Trải qua từ ngàn đời, lời ru đã in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ người Việt và đã trở thành một sản phẩm tinh thần của dân tộc Việt Nam. Như nhà thơ Chế Lan Viên viết rất hay về ý nghĩa lời ru của mẹ qua những câu trong bài thơ Con cò :"Ta đi trọn một kiếp người. Cũng không quên hết những lời mẹ ru". Bác Hồ của chúng ta cũng là một trong số những người như thế.
Sinh trưởng trong một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, đậm đà những làn điệu dân ca trữ tình nhất là hát phường vải, lớn lên trong một gia đình nho học, giàu lòng thương người với vốn chữ Hán uyên thâm. Cho nên sự hiểu biết về lễ nghĩa cũng như về xã hội của những người phụ nữ trong gia đình Bác Hồ được xem như cao hơn các phụ nữ khác đương thời. Như bao thế hệ khác tuổi thơ của Bác Hồ cũng đã lớn lên trong tiếng ru êm ái của bà, của mẹ với những làn điệu dân ca sâu lắng, tiếng hát dặm xứ Nghệ quê nhà. Bà ngoại – Nguyễn Thị Kép đã dùng tiếng ru, lời ca để ru mẹ qua tuổi ấu thơ. Nay mẹ Bác lại cất tiếng ru ấy khi Người vừa lọt lòng và mười một năm sau khi em trai Bác ra đời, những lời ru đó lại lần nữa đi vào tâm can của Bác. Đêm đêm dưới mái nhà tranh quen thuộc ở làng Hoàng Trù, hòa cùng với tiếng thoi đưa dệt vải, bà Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình, trong đó có Bác Hồ vào giấc ngủ. Những câu hát ru đầy chất thơ, thấm đẫm những hình ảnh của cuộc sống bình dị nơi một vùng quê. Đó là những rặng tre, lối xóm hay là những đạo lý truyền thống của dân tộc ta:
“Ru con con ngủ à ơi
Trông con mau lớn nên người khôn ngoan
Làm người gánh vác giang san
Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào
Ru con, con ngủ đi nào
Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng
Làm trai quyết chí anh hùng
Ra tay đánh giặc, vẫy vùng nước non ».
Hay là :
“Con ơi mẹ dạy câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”
Trong tiếng ru của người mẹ đã hiện lên tình cảnh nước mất nhà tan, một dân tộc đang phải chịu xiềng xích nô lệ của thực dân và phong kiến. Không chỉ có vậy, tiếng ru còn có cả ước mơ của người mẹ khi nuôi con mong muốn con lớn khôn chăm lo đèn sách, làm người hiểu biết, thể hiện chí anh hùng của mình để có “Danh gì với núi sông”.
Đó là những bài học đầu tiên trong cuộc đời của Bác, nó thật bình dị, giản đơn nhưng lại có sức lắng đọng hơn tất cả. Những làn điệu dân ca, những câu ví dặm qua tiếng ru của bà ngoại, của mẹ hay của chị cả dường như đã nhen nhóm lên trong tuổi ấu thơ của Bác một thực tế cuộc sống xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX. Đó là một xã hội phong kiến nửa thuộc địa, thân phận người dân phải sống trong kiếp nô lệ lầm than, các giá trị đạo đức bị chà đạp.Từ đó Người có thể cảm nhận được cuộc sống cùng cực của dân tộc. Đây có thể được xem là điểm xuất phát cho một tình yêu quê hương, đất nước trong con người Bác. Để rồi sau bao nhiêu năm bôn ba trong cuộc hành trình cứu nước, khi nghe thấy tiếng ru con của một người mẹ nơi xứ người, Bác Hồ đã xuất khẩu thành thơ :
“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”
Chỉ một lời ru con bất chợt bắt gặp trên đất khách cũng đủ làm người thanh niên ấy xúc động, hồi tưởng lại quá khứ, nhớ về quê hương, gia đình và đặc biệt là người mẹ tảo tần của mình.
Vào buổi sáng 2/9/1969, trong giây phút cuối cuộc đời khi nằm trên giường bệnh, giờ phút vì quy luật ngặt nghèo của tạo hóa chúng ta không thể níu giữ Bác ở lại bên cạnh lâu hơn nữa. Trong giờ phút ấy, Người đã muốn nghe một câu hò xứ nghệ..., nhớ Làng Sen từ thở ấu thơ...hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà.... câu dân ca ví, dặm đã gắn bó, nuôi dưỡng tâm hồn Người từ lúc lọt lòng, thấm sâu trong tâm trí của người con xứ Nghệ, từ chiếc nôi văn hóa quê hương mặn mà tình nghĩa ấy, Người đã lớn lên, bôn ba tìm đường cứu nước. Dù xa quê hương nhưng tình yêu, nỗi nhớ vẫn luôn thường trực trong sâu thẳm tâm hồn Người và Người đã thanh thản ra đi trong âm hưởng của những câu dân ca ngọt ngào, sâu lắng ấy.
Phan Thị Hằng
 
 
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website