KỶ NIỆM 86 NĂM NGÀY MẤT CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG SƠN (20/3/1922 – 20/3/2019) ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG SƠN - NGƯỜI HỌC TRÒ XUẤT SẮC CỦA BÁC HỒ
19/02/2019 4:48:55 CH
Đồng chí Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phơn (tên thường gọi là Lê Văn Phan), sinh ngày 29/6/1899, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước ở làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay xã Xuân Hoà), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, có bố là Lê Văn Hành, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học, mẹ là bà Đinh Thị Chút. Đồng chí Lê Hồng Sơn là một học trò xuất sắc, chiến sỹ kiên cường hoạt động cách mạng bên cạnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí là tấm gươn

Đồng chí Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phơn (tên thường gọi là Lê Văn Phan), sinh ngày 29/6/1899, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống  yêu nước ở làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay xã Xuân Hoà), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, có bố là Lê Văn Hành, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học, mẹ là bà Đinh Thị Chút. Đồng chí Lê Hồng Sơn là một học trò xuất sắc, chiến sỹ kiên cường hoạt động cách mạng bên cạnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, về khát vọng cháy bỏng cứu nước, giải phóng dân tộc.
Sinh ra trong giai đoạn rối ren của lịch sử dân tộc: thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Bắc Kỳ, Kinh thành Huế thất thủ, phong trào chống Pháp dưới ngọn cờ “Cần Vương phục quốc” của Phan Đình Phùng vừa bị dập tắt trong máu và nước mắt. Phan Bội Châu đang tập hợp lực lượng, tích cực chuẩn bị cho cuộc vận động theo khuynh hướng mới, vùng quê của Lê Hồng Sơn đã trở thành nơi quy tụ các văn thân sỹ phu yêu nước.
Không khí của làn sóng yêu nước những năm đầu thế kỷ XX đã tác động vào tâm trí  Lê Văn Phan, thôi thúc đồng chí sớm xác định cho mình một hướng đi. Năm 1920, Lê Văn Phan đã từ giã gia đình, quê hương lên đường sang Thái Lan bắt đầu sự nghiệp cứu nước, anh đã lấy tên núi Hồng Lĩnh một danh thắng của quê nhà để đặt tên cho mình là Hồng Sơn. Sang Xiêm, Lê Hồng Sơn tham gia hoạt động tại Trại Cày Bản Mạy, tỉnh Na-khon, sau chuyển lên Trại Cày Bản Thầm, tỉnh Phi Chịt, là một cơ sở cách mạng Việt Nam do cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa gây dựng sau khi phong trào Đông Du thất bại. Thấy Lê Hồng Sơn là một thanh niên yêu nước có chí lớn, cụ Đặng Thúc Hứa người phụ trách Trại Cày đã gửi anh sang học tại trường quân sự Hải Nam của chính phủ Tôn Trung Sơn. Đến nơi trường bị bọn phản động đóng cửa, Lê Hồng Sơn đến Quảng Châu rồi lên Hàng Châu tìm gặp cụ Phan Bội Châu tại nhà cụ Hồ Học Lãm. Cụ Phan dạy cho Lê Hồng Sơn tiếng Trung Quốc và giải thích cho anh con đường cứu nước mà mình theo đuổi. Sau một thời gian, anh được cụ Phan giới thiệu trở lại Quảng Châu hoạt động. Không còn dựa vào nguồn tài chính do đồng bào trong nước quyên góp gửi sang như trước, những người cách mạng phải tự tìm kế sinh sống để tiếp tục hoạt động. Thời gian đầu chưa tìm được việc làm, Lê Hồng Sơn phải đi ăn xin, về sau anh xin là phu khuân vác ở bến tàu. Anh tự rèn luyện mình chịu một cuộc sống kham khổ nhưng luôn trong sạch. Những đồng chí cùng hoạt động cách mạng đều rất yêu quý anh. Cu Phan thấy vậy càng tín nhiệm và giao cho anh nhiều nhiệm vụ quan trọng: Khi thì làm phái viên giao thiệp với Nhật để mua vũ khí, khi thì sang Xiêm hoặc về nước gặp các sĩ phu để quyên góp tiền bạc và vận động các thanh niên yêu nước ra nước ngoài học tập làm cách mạng. Dù phải băng rừng lội suối, tránh giặc vây lùng, chịu đói khát, gối đất nằm sương, nhưng anh vẫn không hề nao núng, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.
Trong những thanh niên Nghệ Tĩnh xuất dương giai đoạn này, Lê Hồng Sơn là một trong những người hoạt động hăng say và gần gũi với lớp tiền bối như Phan Bội Châu. Anh không những tiếp thu được tinh thần yêu nước sôi sục của lớp trước, mà còn rút được những bài học thất bại trong hoạt động cứu nước của họ. Sau ba năm được kề vai sát cánh với các nhà cách mạng lão thành, anh nhận thấy các cụ vẫn một lòng yêu nước nhưng đường lối cách mạng đã bế tắc. Tình thế ấy làm anh suy nghĩ nhiều đến con đường mà mình đang theo đuổi, đó cũng là tâm trạng chung của lớp thanh niên vừa ở trong nước sang như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Phong, Phạm Hồng Thái… Qua nhiều lần trao đổi, họ thấy không thể  theo con đường cứu nước của các cụ được nữa, năm 1923, Lê Hồng Sơn cùng những thanh niên này chủ trương tách khỏi hoạt động của cụ Phan, tập hợp nhau trong tổ chức Tâm Tâm xã nhằm: “rút kinh nghiệm về những bài học kinh nghiệm xưa để lo toan tiến hành công việc sao cho thiết thực”. Tháng 6/1924, trường quân sự Hoàng Phố của chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn được thành lập theo mẫu hình của Hồng quân Liên Xô. Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Trương Văn Lĩnh đã vào học khoá đầu tiên của trường. Ngày 19/6/1924 được Tâm Tâm xã giao trách nhiệm, Lê Hồng Sơn đã giúp sức cho Phạm Hồng Thái ném tạc đạn ám sát Méc-Lanh- tên Toàn quyền Đông Dương, khi tên này tới dự tiệc ở khách sạn Victoria tại Sa Diện (thuộc Quảng Châu, Trung Quốc), nhưng  Méc- lanh đã thoát chết. Cuộc mưu sát không thành song tiếng vang của vụ ám sát đã gây nên một làn sóng chấn động lúc bấy giờ, và được Nguyễn Ái Quốc đánh giá “như cánh én nhỏ báo hiệu mùa xuân”. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu đã tiếp xúc với nhóm Tâm Tâm xã. Nười đánh giá cao tinh thần yêu nước của anh và các bạn trẻ, đồng thời chỉ chho họ thấy con đường cứu nước duy nhất đúng là đi theo con đường cách mạng vô sản. Sau khi được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Sơn đã hiểu thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Lê Hồng Sơn cùng 8 thanh niên ưu tú được Nguyễn Ái Quốc chọn vào tổ chức Thanh niên Cộng sản đoàn và anh được kết nạp đảng. Tốt nghiệp trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Sơn gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc, anh trở thành trợ thủ đắc lực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc đào tạo huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam. Lê Hồng Sơn cùng Nguyễn Ái Quốc xuất bản tờ “Thanh niên”, tổ chức mở các lớp huấn luyện cán bộ và là ủy viên “chưởng ấn” (người giữ con dấu) của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”- một tổ chức do Nguyễn Ái Quốc thành lập.
Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch phản bội lại đường lối liên cộng của Tôn Trung Sơn và thẳng tay đàn áp Đảng cộng sản Trung Quốc. Lê Hồng Sơn và một số cán bộ cách mạng Việt Nam bị tay sai Tưởng bắt giam. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân trong nước và nhân dân Trung Quốc, tháng 10/1927 bọn chúng phải trả tự do cho Lê Hồng Sơn và các đồng chí khác, sau đó Lê Hồng Sơn cùng một số cán bộ trong Tổng bộ Thanh niên đến Hồng Kông. Tại đây, đồng chí đựơc Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ củng cố cơ quan Tổng bộ Thanh niên, mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ.
Năm 1929, phong trào công nhân trong nước phát triển, ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, Lê Hồng Sơn là người giữ vai trò quyết định trong việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí là một trong những người đã tích cực giúp đỡ đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc tổ chức hội nghị vận động hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng). Sau khi Đảng được thành lập, Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.
Tháng 1/1931, đồng chí Lê Hồng Sơn bị chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt giam. Được sự gúp đỡ của cụ Hồ Học Lãm, đồng chí được trả tự do nhưng bị trục xuẩt khỏi Trung Quốc. Đồng chí qua Miến Điện, rồi sang Xiêm hoạt động. Lúc này phong trào cách mạng trong nước (1931-1932) đang bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã bị phá vỡ. Lê Hồng Sơn bàn với một số cán bộ Nghệ Tĩnh vừa ở trong nước qua bàn việc liên lạc với Đảng bạn thành lập một Ban viện trợ cách mạng Đông Dương để chuẩn bị cho việc phục hồi phong trào cách mạng trong nước. Thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ, chúng tìm mọi cách vây bắt đồng chí nhưng với 25 lần thay đổi tên tuổi nên chúng không lần mò ra. Ngày 25/9/1932, chúng mới bắt được Lê hồng Sơn tại khách sạn “Bình Giang Lữ Quán” ở Thượng Hải. Thực dân Pháp vội vàng chuyển đồng chí Lê Hồng Sơn về Hà Nội ngày 24/10/1932 và chuyển về Vinh ngày 9/11/1932. Biết Lê Hồng Sơn là người đã trừ khử tên phản bội Phan Bá Ngọc, và cũng là người cùng nhóm Tâm Tâm xã với Phạm Hồng Thái (đã mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc-Lanh), ngày 24/12/1932, Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An mở phiên toà đặc biệt kết án tử hình đồng chí Lê Hồng Sơn với bản án số 276. Ngày 20/2/1933, bọn Thực dân Phong kiến đã đưa đồng chí Lê Hồng Sơn về xử bắn tại Chợ Tro, làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa) quê hương của đồng chí.
Nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày mất của đồng chí Lê Hồng Sơn 20/3/1933 – 20/3/2019 xin được bày tỏ tấm lòng tri ân đối với đồng chí - Người học trò, người đồng chí xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tinh thần chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng Lê Hồng Sơn sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam.

                                                                                                Nguyễn Thị Thanh Huyền
                                                                                                 Phòng TTGD
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website