Khu Mộ Bà Hoàng Thị Loan: lắng nghe và cảm nhận!
26/11/2018 2:06:39 CH
Tôi vốn là đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An. Nơi có khu mộ Bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Lúc còn nhỏ, cứ vào dịp ngày rằm, mồng một, lễ tết được mẹ dẫn lên thắp hương tưởng niệm và cầu xin Bà phù hộ cho sức khỏe và những điều an lành trong cuộc sống. Trong những câu chuyện của người dân quê tôi khi nói về việc tâm linh, về đức tin và sự mẫu mực bao giờ cũng có hình ảnh của Bà… Sau những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, tôi l

Tôi vốn là đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An. Nơi có khu mộ Bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Lúc còn nhỏ, cứ vào dịp ngày rằm, mồng một, lễ tết được mẹ dẫn lên thắp hương tưởng niệm và cầu xin Bà phù hộ cho sức khỏe và những điều an lành trong cuộc sống. Trong những câu chuyện của người dân quê tôi khi nói về việc tâm linh, về đức tin và sự mẫu mực bao giờ cũng có hình ảnh của Bà… Sau những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, tôi lại trở về đây thăm lại mảnh đất này và cảm nhận sâu sắc hơn những câu chuyện mà tôi đã từng được nghe qua lời kể của bà con, lối xóm.
Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 13km được toạ lạc trên vùng đất bằng phẳng của núi Động tranh Thấp thuộc dãy núi Đại Huệ xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Được biết, núi Đại Huệ trước đây có tên là Đại Tuệ, người dân địa phương thường gọi là Rú Nậy. Trên đỉnh Đại Huệ có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ. Tục truyền do Hồ Quý Lý và Hồ Hán Thương dựng lên để thờ Phật Bà Đại Tuệ, Người đã phù hộ hai cha con xây thành chống giặc ngoại xâm. Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ - Quang Trung sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Thanh trong Tết Kỷ Dậu trở về vua Quang Trung đã đổi tên núi Đại Tuệ thành Đại Huệ để ghi nhớ công ơn thần linh đã phù hộ cho đoàn quân áo vải. Tên núi đã có từ đó đến nay.
Nhiều người dân và đồng bào du khách về thăm vẫn thường tự hỏi: Tại sao Bà lại yên nghỉ ở đây cùng khá nhiều câu chuyện mà dân gian truyền tụng cho tới tận bây giờ kể từ ngày ông Nguyễn Sinh Khiêm – con trai cả của Bà đưa hài cốt mẹ lên núi Động Tranh năm 1942. Câu chuyện đầu tiên tôi muốn kể là câu chuyện về  mảnh đất hội tụ nhiều sinh khí. Người Nam Đàn ngày đó đã truyền tụng câu ca: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương”  nghĩa là : “ở trên con voi trắng trong xứ ao hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời”. Ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh) là người am hiểu về phong thủy, địa lý, phục vụ yêu cầu tâm linh của nhiều gia đình trong vùng, được nhân dân ghi nhận. Sau này cụ Nguyễn Sinh Vinh đã kể lại rằng: Đầu tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1942), sau nhiều tháng tìm kiếm, ông Khiêm đã chọn được vị trí bằng phẳng của mỏm núi Động Tranh Thấp làm huyệt đạo cải táng cho mẹ, ông biện lễ trầu rượu đến xin phép lý trưởng làng Hữu Biệt, dẫn hai người cháu là Nguyễn Sinh Vinh ở xã Kim Liên và Nguyễn Luận ở xã Hữu Biệt lên đào 9 huyệt rải rác ở núi Động Tranh Thấp. Đêm về khuya, ông mới lặng lẽ một mình đưa hài cốt của Bà Hoàng Thị Loan xuống một trong chín huyệt đã đào sẵn rồi lấp đất lại. Sau này, năm 1946 được ra thủ đô Hà Nội gặp gỡ em trai mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh ông cả Khiêm mới trở về quê hương mời bà con hai dòng họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân lên núi Động Tranh công bố “ Đây là mộ của mẹ tôi”.
Khi tìm hiểu về phong thuỷ của các phần mộ, tôi lại càng hiểu nhiều hơn về vị trí đặt mộ phần Bà Hoàng Thị Loan. Huyệt được đặt ở độ cao 100m so với mực nước biển, sau lưng có Động Tranh cao làm huyền vũ, bên trái có động Khe Cùng làm tả Thanh Long, bên phải có động Ao Hồ làm hữu Bạch Hổ, ngay trước mộ có động Dù làm Án Sơn, xa xa ngọn cao nhất là núi Trà Sơn là triều Sơn chầu về. Phía trước có sông Đào là tiểu mạch, xa nữa là dòng Sông Lam với hai bên bờ cư dân sầm uất làm đại mạch thuỷ. Huyệt đạo có đại minh đường là cánh đồng Lâm Cựu. Theo lý thuyết phong thuỷ mộ của Bà Hoàng Thị Loan đã đạt tiêu chí cát địa.
Lên thăm viếng mộ Bà Hoàng Thị Loan để thư giãn với phong cảnh hữu tình, ngắm nhìn về quê hương xứ sở bao quát một vùng rộng lớn của nước non Xứ Nghệ. Xa xa là dòng sông Lam và dãy Thiên Nhẫn trùng điệp đã được ví như một một đàn ngựa rong ruổi phi nước đại, trên đó còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương. Tôi tự hào về dấu tích thành Vạn An của Mai Thúc Loan xây dựng năm 722 chống quân xâm lược nhà Đường; Lam Thành - nơi Nguyễn Biểu, một danh thần thời Hậu trần đã để lại kì tích “ ăn cổ đầu người”; Lục niên thành do Lê Lợi xây dựng năm 1424, chống quân xâm lược nhà Minh; miếu thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một tri thức nổi tiếng thời Tây Sơn.. với nhiều quê hương của nhiều danh nhân như Tiên Điền, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du; làng Đông Thái, quê hương Phan Đình Phùng; làng Thông Lạng, quê hương Lê Hồng Phong; làng Xuân Hồ, quê hương Lê Hồng Sơn, làng Hưng Nhân, quê hương Phạm Hồng Thái; Làng Đan nhiệm, quê hương Phan Bội Châu; Làng Tùng Ảnh quê hương Trần Phú… Hạnh phúc biết bao khi được đứng ở đây, ở phần mộ của Bà để ngắm nhìn về quê hương xứ sở, tự hào về lịch sử mà cha ông đã dựng xây.
Tôi được biết công trình xây dựng Khu Mộ Bà Hoàng Thị Loan tính đến nay đã được 33 năm, đã đón được hàng triệu triệu lượt khách về tham quan và dâng hương tưởng niệm, trong đó có nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và đồng bào khắp mọi miền tổ quốc dâng hoa, hương tưởng niệm. Lắng nghe giọng nói ngọt ngào của hướng dẫn viên tôi hiểu thêm về cuộc đời giản dị đức hy sinh to lớn của Bà. Hình ảnh Bà cứ đeo đuổi trong tôi với đôi dép mo cau trên con đường thiên lý từ Nghệ An vào Huế, chiếc áo vá vai bà dành lại phần mình và ánh đèn dầu hằng đêm bên khung cửi …Nhưng vượt qua tất cả, Bà đã dệt nên sự nghiệp cho chồng và tương lai của các con. Đến với khu mộ Bà Hoàng Thị Loan mỗi chúng ta lại được lắng nghe câu chuyện của Bà của Mẹ và nhận thức sâu sắc hơn vai trò của người mẹ Việt Nam đã sinh thành dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quần thể khu mộ nay đã được xây dựng tôn tạo khang trang hơn với quy mô  lớn hơn. Đặc biệt, trên tuyến đường lên thăm viếng mộ Bà Hoàng Thị Loan có phần mộ Cụ Hà Thị Hy- bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh; và mộ Nguyễn Sinh Xin- em trai của Người. Đường xuống có công viên Đại Huệ đã được mở rộng có những thảm hoa rộng lớn, hồ cự thuỷ và vườn cây ăn quả… Đồng bào du khách đến đây được trải lòng với không gian tĩnh lặng của mảnh đất tâm linh, thụ hưởng sự trong lành mà thiên nhiên ban tặng và riêng tôi dường như quên hết mọi nỗi ưu tư, phiền muộn và những nỗi lo toan trong cuộc sống đời thường.
Trở lại với công việc của mình trong lòng tôi thấy ấm áp, hạnh phúc bởi được sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này. Công trình tâm linh đã đi vào đời sống của người dân quê tôi và đồng bào du khách trên mọi miền tổ quốc Việt Nam. Tôi thầm cảm ơn người đã chọn huyệt đạo cát địa, thầm cảm ơn mảnh đất và con người đã lưu giữ và chăm sóc mộ phần; để đến hôm nay tấm lòng nhân hậu, đức hy sinh cao cả của bà được lan toả, lưu giữ niềm tin yêu đến với triệu triệu con người./.
                                                                   Nam Giang. 2018
                                                                                     
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website