KHU MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN - NGÀY TRỞ VỀ
20/10/2018 10:53:54 SA
Tôi trở về Ban quản lý Khu mộ trong những ngày cuối thu. Tất cả nơi đây vẫn trọn vẹn bình yên, thân thiện như ngày nào. Trời xứ Nghệ những ngày giao mùa dường như trong xanh hơn. Tiết trời se lạnh làm cho con người thấy cần nhau hơn trong những cái nắm tay thật chặt. Màn sương giăng kín phủ xuống tạo nên đặc trưng của núi rừng… mặt trời lên cao, từng tia nắng ban mai trải dài, chen nhau dội xuống đồi thông trông như những sợi tơ vàng ngày nào của mẹ. Phảng phất đâu đây mùi hương trầm thơm ngát,

Tôi trở về Ban quản lý Khu mộ trong những ngày cuối thu. Tất cả nơi đây vẫn trọn vẹn bình yên, thân thiện như ngày nào. Trời xứ Nghệ những ngày giao mùa dường như trong xanh hơn. Tiết trời se lạnh làm cho con người thấy cần nhau hơn trong những cái nắm tay thật chặt. Màn sương giăng kín phủ xuống tạo nên đặc trưng của núi rừng… mặt trời lên cao, từng tia nắng ban mai trải dài, chen nhau dội xuống đồi thông trông như những sợi tơ vàng ngày nào của mẹ. Phảng phất đâu đây mùi hương trầm thơm ngát, làm bạn với người đi đường lúc này là những chú chim ca đang nhảy nhót chuyền cành, thoảng đâu đây là tiếng rít của những cành cây trong làn gió nhẹ, dãy Ngọc Lan xanh ngát cũng đang cố hết mình để tỏa hương… Tất cả hòa quyện vào nhau như một bản nhạc du dương dẫn du khách đi giữa non nước linh thiêng của núi rừng Đại Huệ… Con đường trở về với Khu mộ thật gần, thật ấm áp, thật thân thương.
Những ngày tháng mười lịch sử này, du khách về với quê Bác lại tìm về Khu  mộ nhiều hơn bởi chuyến đi của họ vô cùng có ý nghĩa khi được dâng nén hương tri ân lên người phụ nữ đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh đó là người Mẹ của Người.
Dọc đường lên âm hưởng từ lòng đất vang vọng “ vượt đèo Ngang khi gà vừa gáy sáng, nắng mưa hoài nhưng dạ nào phai…..” dường như đưa du khách trở lại với tháng năm tuổi xuân của Mẹ. Mẹ bắt đầu xây dựng hạnh phúc riêng của mình với chàng trai nghèo Nguyễn Sinh Sắc từ thuở mười lăm. Để rồi, suốt cả cuộc đời mẹ đã giành hết cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp học tập của chồng cùng sự trưởng thành khôn lớn của các con. Ngày ngày mẹ tần tảo sớm hôm bên khung cửi, luôn nỗ lực hết mình để lao động lo kinh tế chính trong gia đình. Ngày ông Sắc (thân sinh Bác) vào Huế học tập, mẹ quyết định gồng gánh những lo toan, vất vả để cùng chồng theo đuổi con đường cử nghiệp, nhưng vẫn không quên để cô con gái đầu lòng ở lại chăm sóc tuổi già cho mẹ. Người đời tìm thấy ở mẹ một người con hiếu thảo, một người phụ nữ cần mẫn, chịu thương chịu khó, một người vợ, người mẹ giàu đức hi sinh. Chính tấm lòng nhân hậu của mẹ đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ các con những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Tuổi thơ của các con trong vòng tay của mẹ thật êm đềm, thật đẹp. Từ cánh cò trong câu ca dao, những làn điệu dân ca sâu lắng lòng người mẹ đã gieo vào các con tình yêu quê hương đất nước. Để rồi một mai, mẹ đã cho đời một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Có thể nói rằng mẹ Hoàng Thị Loan đã mang trên mình những tinh hoa của người phụ nữ Việt, ở mẹ đã hội tụ đầy đủ ba yếu tố Chân – Thiện – Mỹ. Mẹ cũng là một người vợ, người mẹ sống cuộc đời bình dị như bao người mẹ Việt Nam khác, nhưng mẹ đã để lại tiếng thơm mãi cho đời bởi cái nhãn quan tiến bộ vượt bậc của một người phụ nữ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX: vượt qua sự hà khắc của chế độ phong kiến để bảo vệ tình yêu của mình, mẹ dám vượt khỏi lũy tre làng để nuôi dưỡng tương lai cho chồng con. Ra đi ở tuổi đời 33 nhưng cuộc đời của mẹ không hề ngắn ngủi bởi mẹ đã kịp gửi gắm những ước mơ cao đẹp nhất của cuộc đời mình vào người chồng và các con yêu quý. Đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới biết tới mẹ bởi mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng cho dân tộc Việt Nam ba người con yêu nước, trong đó có chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Trước mộ phần của mẹ, chúng ta nghiêng mình biết ơn trước những sự hi sinh to lớn ấy, được nói với mẹ những lời khó nói trong tâm nguyện của mình, và còn  được học hỏi ở mẹ một vài điều gì đó. Bởi dù chúng ta có ở thời đại nào đi nữa, thì phụ nữ  vẫn luôn là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội, họ đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái, luôn là hậu phương vững chắc cho gia đình, mãi là người giữ lửa và truyền lửa. Ắt hẳn rằng chẳng có một con số nào để nói hết những việc phụ nữ phải làm, cũng như không có một mỹ từ nào để miêu tả hết tầm quan trọng của người phụ nữ. Đi qua các cuộc chiến, phụ nữ Việt Nam luôn ANH HÙNG – BẤT KHUẤT – TRUNG HẬU – ĐẢM ĐANG. Phụ nữ thời bình đã luôn nỗ lực phấn đấu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ứng dụng những thành quả của công nghệ khoa học hiện đại, phụ nữ ngày nay đã có những điều kiện thiết thực để chứng tỏ mình trong xã hội, có nhiều cơ hội để tạo sự nghiệp riêng cho chính mình. Nối tiếp truyền thống của Phụ nữ Việt Nam, và để đền đáp xứng đáng với công ơn của mẹ, chúng ta nguyện sẽ phấn đấu hết mình cho hạnh phúc, sự phồn vinh của gia đình, đóng góp thiết thực cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Tôi may mắn được vào nhận công tác tại Khu di tích Kim Liên từ năm 2010, tôi biết đến Khu Mộ cũng bắt đầu từ những ngày tháng ấy. Quãng thời gian đó tôi đã được chứng kiến sự miệt mài lao động của hàng trăm công nhân, kỹ sư không kể ngày đêm vận chuyển vật liệu lên xây dựng lại phần mộ của mẹ. Công trình hoàn thành thật khang trang đẹp đẽ, xứng đáng với tầm vóc cũng như sự hi sinh của mẹ. Nơi đây đã cho tôi có được niềm vinh dự lớn khi được đón nhiều đoàn khách trong nước và thế giới về thăm viếng ngôi mộ của mẹ.  Và cũng là nơi đã lưu giữ cho tôi những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mình, nơi tôi có thể tìm lại nụ cười, ánh mắt thân thương của chồng trong những ngày đầu gặp gỡ.  Gần một thập kỷ trôi qua, hôm nay trở lại đây công tác, tôi thấy lòng mình thật tự hào và hạnh phúc.
 Mẹ nằm đó – trong lòng Động Tranh Thấp như ngọn đèn sáng nhất tỏa sáng cho quê hương. Sự nên thơ của khuôn viên mộ đã điểm tô cho bức tranh họa đồ xứ Nghệ thêm hữu tình. Trở về với phần mộ của mẹ hôm nay, được ngắm nhìn non nước linh thiêng hùng vĩ của núi rừng Đại Huệ, được nghe tiếng thở của đất trời, trước một công trình được xây dựng đúng mực được dâng nén tâm hương cho mẹ, được chứng kiến những đoàn khách từ mọi miền đất nước về thăm viếng mộ, tôi lại thấy lòng mình thêm ấm lại. phải chăng Khu Mộ giờ đây đã trở thành điểm tâm linh để chắp cánh nối dài cho những tình yêu, cho những ước mơ của những người làm vợ, làm mẹ.
Cố nhân đã nói rằng “ đất lành chim đậu”. Khu mộ trong tôi như một mối nhân duyên, bởi nơi đây đã cho tôi một sự bắt đầu… Bắt đầu một tình yêu, một hạnh phúc, bắt đầu cho một cuộc sống, một sự nghiệp của riêng mình. Tôi trở về đây như một sự tri ân sâu sắc nhất đến người mẹ của quê hương với ước nguyện chẳng có gì to lớn hơn thế, được chăm sóc cho mẹ trong giấc ngủ ngàn thu và tìm lại chút bình an, hạnh phúc nhất có thể trong cõi lòng mình. Tôi sẽ nỗ lực hết mình cho sự phát triển của Ban, để Khu Mộ sẽ trở thành nơi linh thiêng hơn, xứng đáng hơn với niềm tin yêu của đồng bào, du khách.

ĐẶNG THỊ THẮM
BAN QUẢN LÝ KHU MỘ BÀ HOÀNG THỊ LOAN
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website