KHÁT VỌNG VIỆT NAM
31/01/2022 10:52:45 SA

Ngày 17 tháng 7 năm 1966, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc nước ta, để khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, trong đó có đoạn viết: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ của Bác là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam, cũng chính là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Di nguyện của Bác Hồ về một đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đang được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt để đưa dân tộc ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam thành lập, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đó cũng là mục tiêu và khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Từ khát vọng đã trở thành động lực, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên kỳ tích: “đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta từ một đảng hoạt động không hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Nhà nước. Một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc được mở ra: độc lập tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội, kỷ nguyên cho những khát vọng vươn lên mãnh liệt của dân tộc, “Nước Việt Nam từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, đất nước đang trong muôn vàn khó khăn, thử thách, hơn 90% dân số mù chữ, hơn 2 triệu người chết đói, ngân sách nhà nước trống rỗng, chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong và giặc ngoài bao vây nhằm thủ tiêu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nền độc lập của dân tộc ta mong manh “như ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cộng với khát vọng sinh tồn của cả một dân tộc trong thời khắc lịch sử ấy, đất nước đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, giặc đói, giặc dốt về cơ bản được đẩy lùi, 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc lần lượt cuốn khỏi nước ta. Đối với thực dân Pháp, Đảng ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đàm phán, nhân nhượng để tìm kiếm giải pháp hòa bình nhưng đều bị khước từ. “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Với trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, Đảng ta đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Sáng sớm ngày 20/12/1946, qua sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước với quyết tâm cao độ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”. Lời hiệu triệu của Người là sự kết tinh của truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, là sự tiếp nối ý chí và quyết tâm “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” đã được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập. Đó là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, là khát vọng sống còn của cả dân tộc, thôi thúc nhân dân ta nhất tề đứng lên kháng chiến với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Hình ảnh anh La Văn Cầu chặt cánh tay bị thương tiếp tục chiến đấu, anh Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai, anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn vào bánh pháo, anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng… đã trở thành biểu tượng cho khí phách, cho khát vọng chiến đấu vì chính nghĩa của con người Việt Nam, để rồi “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên một trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta…là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Việt Nam trở thành nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra một trang sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba Phi - đen Cát - xtơ - rô đã từng ca ngợi: “Việt Nam đã có những đóng góp phi thường cho loài người. Cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam là bài học lớn nhất đối với tất cả các chiến sỹ, tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Việt Nam là bài học thực tiễn và một bài học lý luận lớn”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã truyền cảm hứng bất tận cho những khát vọng “bùng cháy” và “trỗi dậy” trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc ở châu Mỹ La - tinh và châu Phi xa xôi. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
 Sau thất bại kéo dài cuộc chiến tranh Đông Dương, với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Geneve, dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài nước ta. Một lần nữa độc lập, tự do, và khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc ta lại đứng trước những thử thách vô cùng gian khó. Thế nhưng với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với một ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cho dù phải đối mặt với đội quân thiện chiến nhất thế giới, với vũ khí, bom đạn hủy diệt, sự sống và cái chết luôn cận kề… cả dân tộc Việt Nam đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, bản “thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”. Chiến thắng đó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam; đã cho thấy dân tộc ta, đất nước ta mạnh hẳn lên rất nhiều. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến cũng đã khẳng định một chân lý: Trong thời đại ngày nay, một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế kém phát triển, song nhờ đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên cường dưới sự lãnh đạo của một Đảng cộng sản chân chính, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực xâm lược. Kể từ mùa Xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam được hưởng trọn niềm hạnh phúc, thực hiện thành công khát vọng độc lập, tự do và mở đầu cho khát vọng từ những mùa xuân hòa bình, đổi mới và phát triển, nhân dân cả nước hừng hực khí thế mới đi lên xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.
         Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa những năm 70, chúng ta đã đạt được những thành quả to lớn, nhưng cũng đứng trước những thử thách: thiên tai, những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng rõ, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, đặc biệt cuộc xâm lược biên giới trắng trợn ở hai đầu biên giới... Trong khó khăn hiểm nghèo đó, Trung ương Đảng kêu gọi “Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai... triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”. Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước được công bố, người dân cả nước sẵn sàng và quyết tâm đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Đến những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút nghiêm trọng, đổi mới trở thành “mệnh lệnh của cuộc sống” đối với Đảng, đối với dân tộc. Trải qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn kết hợp với đổi mới tư duy lý luận, quan điểm và chính sách đổi mới của Đảng đã từng bước hình thành và thực hiện từng phần. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) mở đầu đường lối đổi mới toàn diện đất nước “vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”. Đại hội đã tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đặt nền tảng cho việc tìm ra con đường thích hợp đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới là sản phẩm trí tuệ và tư duy khoa học của toàn Đảng, toàn dân ta, là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.
Với ngọn cờ đổi mới, cả dân tộc Việt Nam lại bước vào sự nghiệp đổi mới làm rạng ngời khát vọng tinh thần Việt Nam. Những thành công bước đầu của sự nghiệp đổi mới tạo nền móng vững chắc, là những tiền đề quan trọng giúp dân tộc Việt Nam vượt qua “sóng to, gió lớn” vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Trên cơ sở những thành công đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh khẳng định những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Dân tộc đã hoạch định được con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và đề ra những giải pháp đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sau 10 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, “Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”. Trong không khí mở đầu của một thiên niên kỷ mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) với tinh thần “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, xác định mục tiêu chung của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ. Đại hội đánh giá sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vị trí, vai trò và nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh; làm sáng tỏ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại theo phương hướng thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, vì hòa bình, độc lập và phát triển. Phát huy những thắng lợi trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) đã đưa ra chủ đề thể hiện khát vọng mới: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ghi dấu ấn Việt Nam đã thoát nghèo, bước vào ngưỡng cửa của nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Khát vọng đổi mới để phát triển bước đầu đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) với mục tiêu: phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đặc biệt ấn tượng là: nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19. Có thể khẳng định, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng được một nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó là cơ sở thực tiễn khách quan để đến mùa xuân năm 2021, cả nước đón chào thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với một niềm tin và khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới; xác định những định hướng, bước phát triển tương lai của dân tộc: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước, với những mục tiêu rõ ràng cho cột mốc 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045, thể hiện khát vọng Việt Nam.
Với một dân tộc kiên cường, bản lĩnh trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Một dân tộc thông minh, cần cù không cam chịu yếu kém và nghèo nàn. Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức, một dân tộc luôn có khát vọng vươn lên…Chúng ta tin tưởng “Khát vọng Việt Nam hùng cường” sẽ sớm trở thành hiện thực để “sánh vai với các cường quốc năm châu”, cũng như “điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc Bác Hồ để lại trước lúc đi xa, như một tâm nguyện, như một khát vọng theo đuổi suốt đời, là: “toàn Đảng toàn dân đoàn kết một lòng, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
        Mùa xuân đã về trên khắp mọi nẻo đường, đâu đâu cũng nồng nàn với sắc màu rực rỡ và hương vị ngọt ngào của giai điệu mùa xuân, như lời một bài hát: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi”. Mùa xuân mừng đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới và mùa xuân của những khát vọng Việt Nam.

Phan Thủy
 
 
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
4. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam,
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website