Hội thảo khoa học "Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An"
17/07/2022 1:41:37 CH
Sáng ngày 15/7/2022, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thảo khoa học: "Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An". Đây là cuộc hội thảo đầu tiên về nhà cách mạng Lê Hồng Sơn, do Sở Văn hóa và thể thao phối hợp với UBND huyện Nam Đàn tổ chức.

Đ/c Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Dàn phát biểu tại hội thảo
 
Đoàn đại biểu của Khu di tích Kim Liên tham dự hội thảo do đồng chí Nguyễn Bảo Tuấn- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc làm trưởng đoàn.
 Tại hội thảo các đại biểu đã trình bày các nghiên cứu về truyền thống quê hương, gia đình; vai trò, đóng góp của đồng chí Lê Hồng Sơn đối với cách mạng Việt Nam và đưa ra các giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy không gian lưu niệm, giá trị di tích lưu niệm danh nhân Lê Hồng Sơn- địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.
 

Toàn cảnh hội thảo hoa học: "Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An"
 
 Đồng Chí Lê Hồng Sơn một chiến sỹ cách mạng tiền bối, lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng, một trong những học học trò xuất sắc và là cánh tay đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Đồng chí Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phan quê ở làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ngày 29/6/1899, trong một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước. Truyền thống quê hương, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, rèn luyện ý chí và nghị lực, nâng cánh ước mơ để đồng chí Lê Hồng Sơn trở thành một học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, một đồng chí đảng viên trẻ tuổi kiên trung của Đảng, người chiến sỹ cách mạng bất khuất của dân tộc.
 Trong những năm đầu thế kỷ XX, xuất phát từ phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu với chủ trương đưa thanh niên sang Nhật Bản học tập để mưu đồ khôi phục nước Việt Nam; phong trào xuất dương ở Nghệ An phát triển mạnh mẽ. Trong không khí đó, vào năm 1920, Lê Văn Phan lên đường sang Thái Lan để bắt đầu sự nghiệp cứu nước. Tại Trại Cày - Thái Lan( một cơ sở yêu nước của người yêu nước Việt Nam do cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa xây dựng), lúc này Lê Văn Phan đổi tên là Lê Hồng Sơn. Được Tâm tâm xã giao trách nhiệm, Lê Hồng Sơn đã giúp sức cho đồng chí Phạm Hồng Thái ném lựu đạn ám sát toàn quyền Đông Dương Méc- Lanh. Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã gây chấn động quốc tế, có sức cổ vũ lớn lao đối với phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam.
 Ngay sau khi về Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú ý đến các nhà cách mạng trẻ tuổi, trong đó có thanh niên yêu nước Lê Hồng Sơn. Lê Hồng Sơn đã từng bước được Nguyễn Ái Quốc đào tạo và rèn luyện về mặt lý luận, là một trong những nhân vật nòng cốt cho khóa huấn luyện cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc. Ông được lựa chọn vào nhóm bí mật, giao nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn các khóa huấn luyện tiếp theo. Dựa trên cơ sở nhóm bí mật này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên- tiền thân của Đảng sau này.  
Cùng với những đồng chí như: Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu-  Lê Hồng Sơn là những cán bộ nòng cốt, xuất sắc; vừa là người giúp việc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong thời gian này, Lê Hồng Sơn được Nguyễn Ái Quốc tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ bí mật của tổ chức cách mạng, là Uỷ viên hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa và áp bức Á Đông, cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản tờ báo Thanh niên; là một trong những học viên xuất sắc tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố...
 Vào năm 1929, phong trào công nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời, ông là người giữ vai trò quyết định trong việc thành lập tổ chức An Nam Cộng Sản Đảng. Tại hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản diễn ra ở Cửu Long- Hương Cảng- Trung Quốc, Lê Hồng Sơn là một trong những người đã tích cực giúp đỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc tổ chức hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi Đảng thành lập, Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong chi hội Việt Nam của hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông. 
 Thực dân Pháp ra sức truy bắt Lê Hồng Sơn nhưng qua 25 lần thay tên đổi họ nên chúng không tìm ra. Đến ngày 25/9/1932 chúng mới bắt được Lê Hồng Sơn tại khách sạn "Bình Giang Lữ Quán" ở Thượng Hải, chúng vội chuyển đồng chí về Hà Nội, rồi chuyển về Vinh vào ngày 9/11/1932.
 Biết Lê Hồng Sơn là người đã trừ khử tên phản bội Phan Bá Ngọc, cùng với Phạm Hồng Thái âm mưu ám sát toàn quyền Méc- Lanh. Toà án Nam Triều Nghệ An đã mở phiên toà đặc biệt, kết án tử hình Lê Hồng Sơn. Ngày 20/2/1933 chúng đã đưa Lê Hồng Sơn về xử bắn tại quê hương ở Chợ Tro, Làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu. Đồng chí đã anh dũng hy sinh ở tuổi 34. Thi hài của đồng chí được bà con an táng tại một gò cao ở Dăm Nêu, cách nơi xử bắn 300m. Năm 1958, hài cốt của đồng chí được đưa về tại nơi trước đây bị xử bắn. Ngày nay, khu mộ của đồng chí Lê Hồng Sơn nằm cạnh đường quốc lộ 46, đã trở thành nơi tưởng niệm của Đảng và nhân dân trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn được Bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
 Hội thảo "Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An" đã  thành công tốt đẹp; đã tôn vinh, cung cấp thêm nhiều thông tin về vai trò, tầm quan trọng của đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng nêu ra các giải pháp cụ thể về việc bảo tồn, phát huy di tích liên quan đến đồng chí Lê Hồng Sơn tại quê hương xứ Nghệ. Phát huy giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ Nghệ An, khơi gợi cho họ niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp xứ Nghệ, quê hương của nhiều danh nhân tên tuổi lẫy lừng; từ đó khuyến khích thế hệ trẻ không ngừng học tập, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với tấm gương của các bậc cha ông, xứng đáng với niềm tin yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho quê nhà.
Nguyễn Thanh Huyền

Thông tin tham quan

Liên kết website