HỌC TẬP Ý CHÍ VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TIẾNG PHÁP CỦA BÁC
14/12/2018 2:35:15 CH
Học ngoại ngữ là một trong những “vũ khí” có thể “phá vỡ” những rào cản về văn hóa, phong tục tập quán trên thế giới. Nó giúp mỗi chúng ta “định vị bản thân” trong quá trình hội nhập.

Học ngoại ngữ là một trong những “vũ khí” có thể “phá vỡ” những rào cản về văn hóa, phong tục tập quán trên thế giới. Nó giúp mỗi chúng ta “định vị bản thân” trong quá trình hội nhập.
 


Hướng dẫn viên Khu di tích Kim Liên đang học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài
 
Với tầm quan trọng đó, trong bài viết này tôi muốn chia sẻ việc học Tiếng Pháp của Bác để chúng ta cùng tìm hiểu và từ đó giúp cho chúng ta hiểu thêm về Bác, có thể cải thiện được việc học ngoại ngữ của bản thân mình.
Có thể nói Tiếng Pháp là một trong những ngoại ngữ đầu tiên mà Bác được học. Người đã được người cha kính yêu của mình cho học trường Pháp - Bản xứ Vinh, vào Huế học trường Pháp – Việt Đông Ba, Trường quốc học Huế. Ở đó, cậu bé Nguyễn Tất Thành được học chữ Pháp, viết chữ Pháp. Ngoại ngữ Pháp đã giúp cho cậu sáng lên niềm tin, biến nó thành vũ khí chống lại kẻ thù, bảo vệ được mình, tạo được thanh thế, uy tín cho mình. Nhờ có tiếng Pháp, cậu có điều kiện gần gũi các thầy giáo tiến bộ người Pháp, hiểu được lịch sử, dân tộc Pháp, chế độ thực dân Pháp. Từ đó, xây dựng và thực hiện ước mơ cứu dân, cứu nước của mình.
Năm 1911, cậu thanh niên Văn Ba (Tên mới của Tất Thành) lên tàu La Touche De Tréville với nghề phụ bếp để tìm đến nước Pháp. Trình độ tiếng pháp của cậu lúc này còn non, chỉ để giao tiếp đơn giản. Cậu Văn Ba không dừng lại ở đó, ngày đó, cậu đã làm quen với 2 người lính Pháp giải ngũ về nước. Họ đã cho cậu mượn những quyển sác nhỏ bằng tiếng Pháp. Công việc khá nặng nhọc nhưng mỗi lúc rảnh cậu thường hỏi họ các vật dụng, các từ ngữ khó bằng tiếng pháp và học thuộc. Đôi khi, cậu còn viết lên tay, hay những nơi thường qua lại các chữ khó nhớ và tối về lại xóa đi. Buổi tối học viết các từ và câu. Cứ như thế vốn từ của cậu đã tăng dần. Một thời gian cậu đã có thể nói và viết khá tốt tiếng Pháp. Đến Marceille, ở bến cảng Harleve, Cậu không theo tàu về Đông Dương mà ở lại Sainte-Adresse làm công cho ông chủ tàu. Hàng ngày cậu chăm chỉ đọc báo và học tiếng Pháp từ cô sen. Nhờ sự giúp đỡ của ông chủ, Cậu Ba đã xin được làm việc trên tàu chở hàng đi vòng quanh châu phi. Nhờ làm phụ bếp và bồi bàn trên tàu, cậu Ba đã có điều kiện đi khắp các thuộc địa của Pháp và vốn tiếng Pháp được mở rộng, cải thiện ở các kỹ năng nghe, nói, đọc hiểu và viết.
Bác đã từng làm quen với chủ bút tờ báo “Đời sống thợ thuyền” và ngỏ ý muốn viết bài nhưng ngại vì tiếng Pháp còn kém. Chủ bút bảo: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài cho anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm sáu dòng cũng được”. Viết xong bài, Bác chép thành hai bản, một bản giữ lại. Năm 1917, Bác rất sung sướng khi bài đầu tiên được đăng trên tờ “Đời sống thợ thuyền”. Bác đã so lại xem đúng sai chỗ nào, tòa báo sửa cho như thế nào. Rồi cứ thế, Bác viết được cả một cột báo, có khi dài hơn. Lúc ấy, người chủ bút (là bạn thân của Bác) lại bảo viết ngắn lại. Rút ngắn cũng khó như kéo dài. Nhờ kiên trì rèn luyện nên Bác đã thành công.
Qua các tác phẩm tiểu thuyết, Bác đã học được các viết giản dị, rõ ràng. Sau đó, Bác đã gửi tòa soạn báo “Nhân đạo” (L’Humanite) bài phóng sự về khu phố công nhân nghèo nơi Bác ở. Bác bảo với họ là Bác rất sung sướng nếu bài viết này được đăng, tùy các đồng chí đăng hay không đăng, nhưng dù thế nào thì cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi.
Dù hoàn cảnh nào, Người vẫn duy trì việc học thường xuyên, đều đặn. Ngày học một ít, tích lũy, chỉnh sửa, cứ thế mà tích lũy dần, như ta bỏ tiền tiết kiệm hàng ngày vào ống.
Với tinh thần học tập đó, năm 1922, tờ “Người cùng khổ” (Le Paria) ra đời. Bác làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo, việc nào cũng đòi hỏi dùng nhiều tiếng Pháp. Khổ lớn, tên báo bằng chữ Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và chữ Hán bên phải, do Bác viết. Báo này không có ban biên tập làm việc thường xuyên, vì ai nấy phải làm việc, sinh sống hoặc bận các công việc sửa chữa bài vở và bán báo. Luật sư Mác Clanh-vin Blông-cua, người đảo Guy-a-đo-lúp, trong Ban biên tập nhận xét rằng: “Anh Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo, anh viết khỏe, có số viết tới hai, ba bài”, “lời văn anh sắc bén, tư tưởng anh rõ ràng và mạnh mẽ”, “xem và đọc những bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.
Bên cạnh đó, Bác còn viết sách, chúng ta biết “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Đây là tác phẩm nêu rõ những việc thật, người thật, dùng thuật “Gậy ông đập lưng ông”. Sách được viết bằng hình thức tiểu phẩm, là văn kiện lịch sử, nó cũng là tác phẩm văn học lớn bằng tiếng nước ngoài trong văn học sử Việt Nam.
Trong khoảng thời gian này, Bác đã tham gia Đảng xã hội Pháp, là người Việt Nam đầu tiên vào một chính đảng Pháp. Tháng 12 năm 1920 ông Nguyễn dự đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp đã tiếp thu luận cương của Lênin, tán thành gia nhập Đệ tam Quốc tế. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước đã trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Điều mà chúng ta phải công nhận rằng, tiếng Pháp đã là công cụ giúp cho Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước, đồng thời tiếng Pháp đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc phát triển trở thành nhà báo, nhà văn viết bằng tiếng Pháp. Khi Người sang Liên Xô dự Đại hội thứ nhất Quốc tế nông dân, được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân, tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản, làm Uỷ viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế cộng sản và Người đã trở thành lãnh tụ cộng sản mang tầm vóc Quốc tế. Về việc sử dụng tiếng Pháp: Bác dùng nó gần như suốt đời trong giao tiếp, tạo lập các mối quan hệ thân thiết với các nhà chính trị, các nhà cách mạng, các nhà ngoại giao, các nhà khoa học, các nhà văn, các giáo sư, các nghị viên, hoạ sỹ, nghệ sỹ và nhân dân Pháp ở nước Pháp cũng như ở Đông Dương, các nước thuộc địa. Thiết lập các mối quan hệ giữa nước ta với nước Pháp, các nước trong cộng đồng nói tiếng Pháp ở Á Phi. Trong thời gian sau Cách mạng Tháng Tám 1945, năm1946, 1947 trong đó có thời gian Bác thăm nước Pháp, Người đã viết mấy chục bức thư, công hàm, điện văn gửi Tổng thống, Thủ tướng, Quốc hội, Chính phủ Pháp, các tướng lĩnh và nhân dân Pháp, trực tiếp nói chuyện, đọc diến văn, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp, nhằm ngăn ngừa chiến tranh, đem lại hoà bình cho hai dân tộc Việt- Pháp. Có thể khẳng định việc Bác sử dụng tiếng Pháp để tạo lập các loại văn bản là nhiều nhất so với các ngoại ngữ khác. Tiếng Pháp là thứ tiếng cơ sở cho Bác học các ngoại ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha …
Như vậy, với việc học ngoại ngữ, đã mở ra cho Bác những chân trời mới lạ, từ đó giúp cho Người tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai cho dân tộc Việt Nam. Người là tấm gương sáng, là nhân cách tiêu biểu của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Trở lại với chúng ta ngày nay, đang sống trong thời kỳ hội nhập, việc học ngoại ngữ trở nên vô cùng cần thiết. Ngay tại Khu di tích Kim Liên, việc học ngoại ngữ để đón tiếp các đoàn khách quốc tế đang từng bước được hoàn thiện. Tin rằng, noi gương Bác về nghị lực và phương pháp học, mỗi hướng dẫn viên sẽ góp phần tuyên truyền và thu hút khách quốc tế về thăm Khu di tích Kim Liên, không chỉ là để hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn sẽ rất xúc động khi được nghe các câu chuyện về cuộc đời của Người qua giọng thuyết minh truyền cảm với ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp.
Phan Thị Quý
Phòng Tuyên truyền giáo dục
 

Thông tin tham quan

Liên kết website