HỌC TẬP PHONG CÁCH LÀM VIỆC CỦA BÁC HỒ KHOA HỌC, CHU ĐÁO VÀ TỈ MỈ
06/07/2021 2:34:26 CH

Sáng nay, dạo bước trong khuôn viên đầy hoa của cơ quan, ngắm những ánh nắng rực rỡ tỏa trên cành lá, những chùm hoa dẻ bắt đầu chín báo hiệu một mùa hè sắp đến - mùa có ngày sinh nhật của Bác Hồ kính yêu, chúng con lại càng nhớ Bác, hạnh phúc vì được sống và làm việc trên chính quê hương của Người. Càng nhớ Bác chúng con càng cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người.
Đối với chúng con - những cán bộ làm việc tại Phòng hành chính tổng hợp của Khu di tích Kim Liên, điều mà chúng con luôn tâm niệm và phấn đấu học tập ở Bác chính là phong cách làm việc khoa học, chu đáo và tỉ mỉ.
Làm việc khoa học là làm việc có chương trình, kế hoạch rõ ràng, cụ thể;Làm việc chu đáo là phải hết sức cẩn thận, đầy đủ, tỷ mỷ, có nghĩa là tập trung cao vào một hành động hay một công việc nào đó. Người tỉ mỉ, cẩn thận là người có khả năng hoàn thành công việc sau khi đã cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan dù là các yếu tố nhỏ nhất, luôn để tâm đến công việc và đảm bảo công việc được tiến hành chính xác và hiệu quả nhất.
Với chức trách nhiệm vụ được giao, Phòng Hành chính tổng hợp là bộ phận thực hiện công tác tham mưu, hậu cần, chuẩn bị cho các sự kiện của cơ quan. Dù sự kiện lớn hay nhỏ thì các khâu chuẩn bị là rất quan trọng, quyết định sự thành công và kết quả của công việc. Học tập phong cách làm việc của Bác Hồ khoa học, chu đáo và tỉ mỉ giúp chúng conhoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Sinh thời, Bác đã từng căn dặn: “Khi người cán bộ làm việc thì phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, phải đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình, phải làm việc cụ thể, thiết thực, kịp thời” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 6 - trang 113).Bác dặn làm đến đâu phải chắc đến đó, làm xong việc này mới làm việc khác, phải trung thực, khách quan, không chạy theo bệnh thành tích. Cứ sau một thời gian làm việc phải rút kinh nghiệm và nâng cao, đổi mới phương pháp làm việc. Trước khi làm phải xác định mục đích, có kế hoạch, chương trình rõ ràng, tỉ mỉ, cụ thể. Ðầu năm 1941, Bác Hồ về căn cứ địa Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Công tác huấn luyện cán bộ càng trở nên cấp bách. Nhiều học trò của Bác đã trưởng thành và được Người giao mở các lớp huấn luyện cán bộ cho phong trào. Chương trình và kế hoạch các lớp huấn luyện được Người chỉ ra thật ngắn gọn nhưng rất khoa học và chu đáo: Một là, huấn luyện cho ai? Hai là, huấn luyện những gì? Ba là, huấn luyện bao lâu? Bốn là, huấn luyện ở đâu? Năm là, lấy gì ăn mà huấn luyện?
Người cũng chỉ ra, khi làm việc gì cũng phải kiểm tra, giám sát một cách cụ thể và thường xuyên.Người luôn nhắc nhở cán bộ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá cao cách làm việc: “Kiểm tra, giám sát giống như ngọn đèn pha”, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm qua kiểm tra chúng ta đều biết rõ. Có thể nói chín phần mười khuyết điểm của chúng ta là do thiếu kiểm tra, giám sát. Nếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, cụ thể và chu đáo thì nhất định chúng ta tiến bộ gấp mười, gấp trăm” (Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 5 - trang 249).
Người cho rằng thông thường có hai cách giám sát, kiểm tra. Cách thứ nhất là kiểm tra từ dưới lên trên, tức là quần chúng nhân dân giám sát, kiểm tra công việc của các cấp trên, việc kiểm tra này thực hiện thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở và kiểm tra qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng phải làm tốt việc giám sát, kiểm tra. Cách thứ hai là giám sát, kiểm tra từ trên xuống, người lãnh đạo kiểm soát công việc của cán bộ mình.
Người luôn căn dặn cán bộ khi đã xây dựng chương trình, kế hoạch cho công việc rồi thì phải quyết tâm thực hiện, kể cả những công việc cá nhân. Sau ngày cách mạng thành công, toàn dân bị nạn đói đe dọa. Người kêu gọi tăng gia sản xuất để cứu đói và mỗi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ để dành gạo giúp đồng bào bị đói. Ðến bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói thì Bác được mời đi ăn cơm khách. Hôm sau Người đã kiên quyết nhịn bù.
Thời kỳ hoạt động bí mật tại căn cứ địa Việt Bắc, Bác đặc biệt chú trọng công tác giữ bí mật. Trong cơ quan, Bác giao việc cho từng người, ai biết việc người ấy. Các bộ phận công tác cũng rất gọn nhẹ, cơ động. Bác yêu cầu mỗi người có một túi đựng đồ dùng cá nhân và tài liệu lúc nào cũng mang bên người, khi cần thiết có thể nhanh chóng di chuyển địa điểm mà không để lại dấu vết.
Trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Bác ở trong lán nhỏ Nà Lừa ở Tân Trào (Tuyên Quang). Mặc dù đang yếu nhưng Người vẫn duy trì tác phong làm việc hết sức khẩn trương, khoa học và chu đáo. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại những ngày được làm việc với Bác ở Tân Trào: Bác làm việc không mấy lúc nghỉ ngơi. Lần nào tôi lên cũng thấy Bác đang cặm cụi với công việc. Mọi giấy tờ, chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy và đánh số cẩn thận, rõ ràng.
Ðối với Bác, mọi việc hằng ngày, bao giờ cũng được lựa chọn, sắp đặt có mục đích rõ ràng. Làm việc khoa học và chu đáo nên cùng với những công việc của đất nước, Người vẫn dành được thời gian đi thăm đồng bào, chiến sĩ, anh chị em công nhân, các cháu nhi đồng; chăm sóc vườn cây, ao cá; chơi bóng chuyền hay tập thái cực quyền; nghe một làn điệu dân ca, một câu hò xứ sở... Do làm chủ được thời gian, chủ động trong công việc, cho nên Bác luôn biểu hiện một phong cách ung dung, tự tại, lạc quan, bình tĩnh, tự tin, sáng suốt ngay cả trong những tình huống phức tạp, nguy hiểm của bản thân mình hay cùng Trung ương, Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thác ghềnh, lãnh đạo toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Học tập phong cách làm việc của Bác Hồ, không chỉ CBVC phòng Hành chính tổng hợp mà toàn thể CBVC Khu di tích Kim Liên luôn chủ động, khoa học, chu đáo, tỉ mỉ trong mọi công việc. Chính vì lẽ đó mà Khu di tích Kim Liên là nơi thường xuyên được UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao và các cấp, các ngành lựa chọn làm nơi tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện trọng đại như: Lễ hội Làng Sen toàn quốc, lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bộ Thông tin và truyền thông, các cầu truyền hình trực tiếp (riêng năm 2019 có tới 4 cầu truyền hình trực tiếp có điểm cầu đặt tại Khu di tích Kim Liên), lễ kết nạp Đảng viên mới...
Học tập Bác, chúng con luôn lên kế hoạch khoa học, chu đáo, tỉ mỉ cho công việc của mình. Mỗi sự kiện đều có sự bàn bạc thống nhất trong lãnh đạo cơ quan, sau đó giao cho bộ phận tham mưu lên kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, từng người; dự kiến những tình huống có thể xảy ra để kịp thời xử lý; kiểm tra, giám sát từng khâu công việc; luôn chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao đột xuất, kể cả những nhiệm vụ phải thực hiện ngoài giờ hành chính.
 Năm nay kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác, ngoài lễ hội Làng Sen được tổ chức hàng năm chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động diễn ra tại Khu di tích Kim Liên, nhiều đoàn khách sẽ về  tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân Người, tất cả chúng con với tấm lòng kính yêu Người đều đã sẵn sàng để đón nhận những nhiệm vụ thiêng liêng là phục vụ các hoạt động, phục vụ khách tham quan về với quê hương của Người một cách chu đáo nhất để xứng đáng với tình cảm của nhân dân khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế dành cho Người và dành cho Khu di tích Kim Liên.

Lê Bích Thủy
 
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website