HỌC TẬP CÁCH NUÔI DẠY CON CỦA NGƯỜI MẸ VIỆT NAM – HOÀNG THỊ LOAN
07/03/2023 8:28:29 SA

Phần mộ bà Hoàng Thị Loan được an táng tại núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ
xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Bà Hoàng Thị Loan – người phụ nữ cần cù, quả cảm, có đức hy sinh vô bờ bến. Bà đã có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nhân cách cao đẹp của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thời thơ ấu, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này. Chúng ta hãy cùng lần theo những trang sách để học tập bà cách nuôi dạy con. Tuy không thể học bà cách nuôi dạy con trở để thành một vĩ nhân, nhưng có thể học bà cách nuôi dạy con trở thành những đứa trẻ ngoan, lễ phép, biết yêu thương và chia sẻ.
* Khi con thắc mắc điều gì đều giải thích cặn kẽ ngọn nguồn, cho con được trải nghiệm thực tế hoặc sẽ cùng con đi tìm hiểu cho rõ ràng:
Ngay từ nhỏ cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã nổi tiếng thông minh, lễ phép và ham học hỏi. Thấy hoặc nghe được điều gì mà chưa hiểu cậu sẽ hỏi cho rõ ràng mới thôi. Một lần Cung nghe ai đó hò trên sông:
Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh
Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi…
Cung đã tìm mẹ để hỏi các từ mới, lạ: “nhục”, “vinh”, ‘thác”, “ghềnh” là gì và tại sao nước non lại là nghĩa, là tình. Bà Loan – con gái của một thầy đồ, từ nhỏ đã được cha cho học chữ thánh hiền đã nhẫn nại giải thích cặn kẽ cho con hiểu tất cả những thắc mắc của con. Nếu chưa có câu trả lời thoả đáng bà sẽ tìm hiểu cho rõ rồi mới trả lời con. Cậu bé Cung luôn thích thú và kính trọng vì “mẹ Loan cái gì cũng biết”.
Một lần cậu Cung hỏi mẹ về ông Vua Mai Hắc Đế, mẹ Loan đã kể cho cậu nghe về Vua Mai. Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan, quê gốc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Mai Thúc Loan càng lớn càng thông minh, khoẻ mạnh, là một đô vật nổi tiếng của vùng Sa Nam. Chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, ông đã nhen nhóm ý tưởng đánh đuổi ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo diễn ra vào năm 713, giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm hoàng đế. Ít lâu sau, có dịp đi qua lăng mộ Vua Mai, bà Loan đã bảo chồng dẫn các con vào thắp hương để các con được tận mắt chứng kiến, các con cần được “tai nghe, mắt thấy”.
 
* Lựa chọn nơi con sống và học hành cho dù gặp muôn vàn khó khăn:
Khi ông Nguyễn Sinh Sắc ngỏ lời muốn bà Hoàng Thị Loan cùng ông vào Huế để giúp chồng ăn học, thi cử, để con lại cho mẹ già trông nom. Trước lời đề nghị lớn lao như vậy, bà đã phải trăn trở rất nhiều. Làm gì để sinh sống giữa đất kinh thành? mẹ già và ba đứa con thơ phải làm sao? Bao khó khăn gian khổ đang ở phía trước. Sau nhiều đêm suy nghĩ, biết là sẽ vô cùng khó khăn khi phải vượt một quảng đường xa, sống giữa đất đế đô, gạo châu, củi quế nhưng bà Hoàng Thị Loan vẫn quyết định mang hai con trai đi cùng. Bởi vì, ở đất kinh kỳ có nhiều thầy giỏi, có trường học tử tế, có cha mẹ bên cạnh các con sẽ học tốt hơn.
* Luôn hướng thiện cho con và dạy con tình yêu quê hương đất nước:
Khi thấy cậu Khiêm bắn chết một con chim mẹ, cậu Cung mang con chim non về nuôi, bà Loan đã gọi hai con lại ân cần dạy dỗ: “con chim non cũng như con người, người có nhà, chim có tổ, người có cặp, anh có em. Một bố mẹ chim cũng có nhiều con cùng một lúc. Chim mẹ chết, chim con bơ vơ, chim trống chết, con mái một mình buồn, chim anh chết chim em đơn lẻ. Các con không nên giết chim để nó hót cho mình nghe, bắt sâu cho cây đơm hoa, kết quả”.
Một lần cùng cha mẹ đi lễ phật Đản, cậu Cung thấy người ta thả chim để phóng sinh, trả lại tự do cho đàn chim. Trả lời cho câu hỏi: “Tự do là gì?” của cậu mẹ đã giải thích: “Tự do là không bị giam cầm, muốn bay đi đâu tuỳ sức, tuỳ thích. Con người tự do là khi được tự mình nói điều mình nghĩ, được làm điều đúng mình cần, không bị đánh đập, không bị giam cầm khi không phạm tội”. Từ đó ước muốn tự do cho đồng bào đã sớm hình thành trong cậu.
Cuộc sống tại kinh thành Huế vô cùng khó khăn, khi nguồn thu nhập của gia đình chỉ từ tiền trợ cấp ít ỏi của ông Sắc và tiền dệt vải của Bà Loan. Do làm việc quá sức bà Loan bị ốm nặng, nhìn mẹ nằm thiêm thiếp trên giường, thương mẹ quá cậu Cung đã rủ anh đi hái trộm nhãn của Hoàng Cung. Bà Loan lo lắng nhớ lời nói chứa chất kinh nghiệm của cha ông tự bao đời nay để lại “từ trộm gà rồi đến tha trâu” từ lỗi nhỏ sẽ thành lỗi lớn. Mà lỗi của con trước hết là lỗi của cha mẹ. Không nghiêm khắc dạy con từ thuở còn thơ thì mang đại hoạ về sau. Bà dạy các con: “cha con đậu cử nhân, nhà nước xếp hạng khoa bảng mẫu mực. Là con nhà khoa bảng mà lại đi bẻ nhãn của người khác là làm việc bất chính, làm xấu cả những nhà khoa bảng”. Không thể nuông chiều bỏ qua lỗi lầm của con – dù chỉ là bẻ một chùm nhãn của người khác vì thương mẹ. Bà Loan đã phạt mỗi cậu một roi thật đau rồi mang chùm nhãn treo lên giữa nhà để nhắc nhở hai con.
Nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2023), 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng xin được bày tỏ lòng tri ân và tưởng nhớ bà Hoàng Thị Loan – người mẹ Việt Nam vĩ đại đã có công sinh thành dưỡng dục ba người con yêu nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, “Người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, Người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi biết ơn”.
Lê Bích Thuỷ

Thông tin tham quan

Liên kết website