HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM TÀI LIỆU, HIỆN VẬT TẠI KHU DI TÍCH KIM LIÊN
15/12/2021 9:19:21 SA

Chiếc rương gỗ của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh tại di tích Hoàng Trù
 
65 năm qua kể từ ngày thành lập, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của  các cấp, các ngành cùng với sự nỗ lực phấn đấu liên tục của các thế hệ cán bộ Khu di tích Kim Liên đã không ngừng lớn mạnh, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản về quê hương, gia đình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân của Người đã lan toả và có ảnh hưởng đặc biệt đến nhận thức và hành động của Đảng ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Để có được Kết quả đó việc thực hiện các khâu công tác nghiệp vụ Bảo tồn bảo tàng, trong đó có công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật được Khu di tích Kim Liên hết sức chú trọng.
Về công tác nghiên cứu:  Xác định rõ hoạt động nghiên cứu khoa học là một chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng, từ ngày thành lập đến nay, Khu di tích Kim Liên đã luôn quan tâm đến lĩnh vực này. Những kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở để phục hồi, trùng tu, sửa chữa di tích, tiến hành công tác trưng bày và tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.  Mặc dù, cơ quan đóng trên địa bàn nông thôn, lại nằm ở tỉnh lẻ nhưng việc tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học được duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả khả quan. Cho đến nay, Khu di tích Kim Liên đã bổ sung, hoàn thiện tất cả các hồ sơ di tích và được Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 5 năm 2012.  Lập và thực hiện có hiệu quả  hàng trăm  kế hoạch, đề cương về trưng bày và trùng tu tôn tạo di tích.  Tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm khoa học như: Hội thảo nghiên cứu về quê hương Bác Hồ; Hội thảo nghiên cứu Khu di tích Kim Liên lần nhất (1983); Tọa đàm khoa học 40 năm Khu di tích Kim Liên (1996); Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tốt các hội thảo khoa học “ Hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương” (1987); Hội thảo Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh- Quê hương Nghệ Tĩnh với Bác Hồ” (1989); “Hội thảo 30 năm Nghệ An thực hiện di chúc Bác Hồ”; Phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội thảo “ Bác Hồ với công tác dân vận” (1998); Hội thảo 40 năm Khu di tích Kim Liên (1996) ; Hội thảo 50 năm Khu di tích Kim Liên (2006), Hội thảo 60 năm Khu di tích Kim Liên (2016); Tọa đàm 60  năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (2017)... ; Khu di tích Kim Liên đã phối hợp với nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Nhà xuất bản Nghệ An biên soạn xuất bản, phát hành hàng chục đầu sách tiêu biểu như: Những người thân trong gia đình Bác Hồ (1995); Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (1995); Quê hương trong lòng Bác (1995, tái bản và bổ sung năm 2017); Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (song ngữ Việt – Anh 2018) ; tờ gấp giới thiệu về Khu di tích Kim Liên (2018) ...., Phối hợp với các đài truyền hình sản xuất nhiều  phim tư liệu tiêu biểu như: Cánh diều tuổi thơ (1995) ; Khu di tích Kim Liên - Di tích Quốc gia đặc biệt (2016) ; Giữ trọn niềm tin (2020); Mảnh đất quê hương in dấu chân Người (2021) ; Viết hàng trăm bài đăng các Báo trung ương và địa phương, đăng tạp chí, đăng trang Website của cơ quan, báo cáo tham luận khoa học tại các sự kiện của tỉnh của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh; số hóa toàn bộ tài liệu, hiện vật theo hướng dẫn của Cục di sản văn hóa
Về công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật:  Công tác sưu tầm ở Khu di tích Kim Liên gặp phải những khó khăn lớn đó là các di tích, di vật về thời niên thiếu của Bác Hồ rất hiếm, khoảng cách thời gian đã trên 100 năm; gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh lại biến động liên tục vì tất cả mọi người đều tham gia hoạt động cứu nước, phải ly hương, phải tù đày nhiều năm, các nhân chứng sống cùng thời gian không còn nữa; mặt khác do thiên nhiên nơi đây khắc nghiệt, Nghệ An cùng cả nước phải trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chúng ta cũng  chưa có thói quen sưu tập, gìn giữ các hiện vật tài liệu có ý nghĩa Bảo tàng,  điều đó làm cho các tài liệu, hiện vật mất mát, mai một nhiều.
Tuy nhiên Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức  được vấn đề này và nhận thức rõ những giá trị to lớn về  tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy ngay sau khi vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, vào năm 1956, Đảng ta đã có chủ trương khôi phục lại các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người.
Để thực hiện được chủ trương này năm 1956 tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban lãnh đạo và Ban chuyên môn xây dựng quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban lãnh đạo do Ông Nguyễn Tường Khoát - Thường vụ Tỉnh uỷ làm trưởng ban, ông Phạm Phúc Nghị cán bộ Ty Văn hoá Nghệ An - Phó ban thường trực, ông Đào Duy Kỳ chuyên viên Vụ Bảo Tồn Bảo tàng làm uỷ viên; Ban chuyên môn gồm các ông: Trần Thanh Tâm, ông Nguyễn Phúc và 3 người giúp việc.
Sau khi thành lập Ban, các chuyên gia Bảo tồn - Bảo tàng từ Trung ương cùng với Ty Văn hóa Nghệ An đã  tổ chức tiến hành, nghiên cứu, sưu tầm xác minh, gặp gỡ nhân chứng và những người cao tuổi để tìm lại ngôi nhà ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, quá trình nghiên cứu xác minh được ghi lại cụ thể lưu trong kho tư liệu Khu di tích Kim Liên như sau: Sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế làm quan năm 1906, ông giao lại nhà cửa ruộng vườn cho con gái Nguyễn Thị Thanh và con trai Nguyễn Sinh Khiêm trông coi, năm 1914 khi bà Thanh và ông Khiêm bị thực dân Pháp bắt giam vì tham gia phong trào hoạt động yêu nước của các sỹ phu, ngôi nhà này tạm giao cho ông Nguyễn Sinh Mợi (một người bà con trong họ) trông coi. Năm 1915 bà Thanh ra tù trở về quê đã bán ngôi nhà 5 gian cho ông Tú Dền ở xóm Bố Ân xã Nam Hùng, khi dựng nhà ông Tú Dền đã bớt đi hai gian chỉ còn lại ba gian một hồi. Năm 1932 vợ ông Tú Dền lại bán nhà này cho ông Trần Hữu Do ở xã Nam Giang, ông Do sửa lại thành nhà 3 gian hai hồi. Tháng 7 năm 1956 chúng ta đã chuộc ngôi nhà  đem về phục dựng  trên nền đất cũ của nhà ông Phó Bảng ở làng Sen. Tháng 6 năm 1957 trong dịp về thăm quê lần thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  vào thăm lại ngôi nhà của gia đình mình. Còn ngôi nhà ngang 3 gian ông Nguyễn Sinh Mợi đem về làm nhà ở đến năm 1942 ông Nguyễn Sinh Khiêm  ra tù về lấy lại, lúc này nhà đã bị mối mọt gần hết chỉ còn bốn cây cột gỗ còn nguyên vẹn. Năm 1945  ông  Khiêm đem ngôi nhà cho một người bạn là ông Ký Tiềm ở Hưng Thái – Hưng Nguyên, ông Ký Tiềm đem đục lỗ 4 cây cột gỗ để làm chuồng trâu, tháng 3 năm 1959 các cán bộ bảo tàng đã sưu tầm  được 4 cây cột gỗ đem về và phục dựng lại. Ngày 9 tháng 12 năm 1961, khi về thăm quê lần thứ hai, Bác Hồ được chiêm ngưỡng di tích này một cách tương đối hoàn chỉnh.
Còn ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời ở Hoàng Trù trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm và xác minh được ghi lại cụ thể như sau: Năm 1901 khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng ông cùng các con sống trong ngôi nhà này một thời gian, sau đó ông đưa các con về sống tại làng Sen, ngôi nhà được bà Ngoại Nguyễn Thị Kép trông coi sau một thời gian vì nhà không có người ở nên dột nát và hư hỏng khá nhiều, ông Nguyễn Sinh Sắc dỡ ra cho bà con trong họ mỗi người một thứ. Sau này khi biết có chủ trương phục dựng lại ngôi nhà của gia đình Bác Hồ ở làng Hoàng Trù, bà con đã đem những phần gỗ còn dùng được góp lại để cùng với chính quyền phục dựng lại ngôi nhà. Dựa vào lời kể và trí nhớ của các cụ cao tuổi trong làng, phát huy thành quả và kinh nghiệm đã có khi phục dựng ngôi nhà tại làng Sen, tháng 11 năm 1959 ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời ở  Hoàng Trù được  phục dựng,  để năm 1961 vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Cùng với việc phục hồi di tích, Ty Văn hóa Nghệ An đã tổ chức  những đợt nghiên cứu, sưu tầm hiện vật để về trưng bày trong những ngôi nhà vừa được phục dựng trong đó có những hiện vật gốc quý giá như: Biển Ân tứ ninh gia được lấy từ nhà thờ họ đại tôn Nguyễn Sinh; chiếc mâm gỗ; bộ phản nơi nghỉ của Bác và anh trai khi ở làng Sen được sưu tầm tại nhà ông Nguyễn Sinh Mợi; Chiếc tủ, chiếc án thư, bộ ấm chén uống nước, bộ tràng kỷ, nghiên mực,  chiếc rương gỗ của hồi môn của Bà Hoàng Thị Loan và nhiều hiện vật khác đã được tìm lại... riêng chiếc rương gỗ đã qua nhiều người sử dụng nên được xác minh như sau: Sau khi bà Hoàng Thị Loan theo chồng vào Huế năm (1895) bà Loan đã cho em gái của mình là Hoàng Thị An chiếc rương, sau đó vì túng thiếu bà Hoàng Thị An đã bán cho ông Trần Đăng Lê người cùng làng, lúc ông Lê mất chiếc rương do người con trai của ông là Trần Đăng Thi sử dụng sau đó ông Thi đã đem chiếc rương đổi cho chú ruột của mình là Trần Tín để lấy cái tủ, khi khôi phục lại  ngôi  nhà cán bộ Ty Văn hoá Nghệ An đã sưu tầm chiếc rương  về để  trưng bày trong  ngôi nhà.
Kể từ ngày đó đến nay, các thế hệ cán bộ làm công tác  sưu tầm của Khu di tích Kim Liên luôn thực hiện tốt  công tác này để bổ sung, hoàn thiện những hiện vật vốn có trong các di tích làm cho di tích ngày càng sống động và phong phú hơn. Hằng năm cán bộ sưu tầm xây dựng kế hoạch, đề cương lên phương án để thực hiện công việc. Năm 1999 đã sưu tầm được chiếc xe Gát 69 hai lần chở Bác về thăm quê tại trường Trung cấp Kinh tế Nghệ An. Năm 2003 đã sưu tầm được chiếc thau đồng, bộ đũa mà ông Nguyễn Sinh Sắc đã sử dụng  trong thời gian dạy học ở Võ Liệt Thanh Chương (1902) tại nhà thờ Họ Lê Kim; Từ năm 2013 đến 2018 đã sưu tầm được hàng trăm đồ dùng, vật dụng đồng thời đồng loại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 như Bát, đĩa, ấm chén uống nước, bình vôi, cơi trầu, mâm gỗ, mâm đồng, tủ gỗ, rương gỗ...  để bổ sung cho các di tích gốc và các hộ láng giềng xung quanh nhà Bác Hồ. Năm 2018 đã tiếp nhận hiện vật bức chân dung Bác Hồ từ Bảo tàng Nghệ An, được ông Trần Công Phi  gò từ  một mảnh  xác máy bay Mĩ bị quân và dân Nghệ An bắn rơi. Từ năm 2019 đến nay đã sưu tầm được  162 bức thư, điện, bài nói chuyện của Bác Hồ với quê hương Nghệ An, hàng chục bài báo về người tốt việc tốt tại Nghệ An có bút tích  của Bác Hồ phê để  khen thưởng....   
 Hiện nay Khu di tích Kim Liên đang lưu giữ gần 4000 tài liệu vật liên quan đến gia đình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các tài liệu hiện vật về hai lần Bác về thăm quê; các hiện vật là quà tặng của Bác tặng cho những tập thể, cá nhân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đạt thành tích xuất sắc trong chiến đấu và lao động sản xuất; các tài liệu, hiện vật của tập thể, cá nhân gửi tặng và bày tỏ lòng biết ơn đối với Bác và sự quyết tâm của mình trong chiến đấu, lao động sản xuất; những hiện vật quà tặng lưu niệm của các đoàn khách tặng cho Khu di tích Kim Liên thể hiện tình cảm lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tài sản vô giá của quốc gia, là di sản về tư tưởng, đạo đức và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác và những người thân trong gia đình Người. Đó cũng là cơ sở vật chất quan trọng nhất để Khu di tích Kim Liên hoạt động
Theo năm tháng, hoạt động nghiên cứu, sưu tầm của Khu di tích Kim Liên ngày càng được mở rộng và chú trọng một mặt do sự phấn đấu nỗ lực của các cán bộ nhân viên làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, mặt khác nhờ sự hợp tác giúp đỡ của các cơ quan, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị cùng với sự đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội nhằm tiếp tục bổ sung cho kho cơ sở, giúp cho việc nghiên cứu trưng bày giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Người ngày càng đầy đủ, phong phú hơn.
                                                  Lâm Đình Hùng
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website