HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI THẦY MẪU MỰC
16/11/2018 2:16:53 CH
Trong những ngày tháng mười một này, cả nước đang háo hức chào đón, tri ân các thầy giáo, cô giáo nhân ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam; chúng ta lại tưởng nhớ đến Người: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy mẫu mực, lỗi lạc của dân tộc. Trong thời gian trước khi rời Tổ quốc xuống tàu tại bến Nhà Rồng bôn ba ra hải ngoại tìm đường cứu nước, Bác đã dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Do vậy, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và toàn bộ tác phẩm quý báu trong sự nghiệp văn chương của Bác lú

          Trong những ngày tháng mười một này, cả nước đang háo hức chào đón, tri ân các thầy giáo, cô giáo nhân ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam; chúng ta lại tưởng nhớ đến Người: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy mẫu mực, lỗi lạc của dân tộc. Trong thời gian trước khi rời Tổ quốc xuống tàu tại bến Nhà Rồng bôn ba ra hải ngoại tìm đường cứu nước, Bác đã dạy học tại Trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Do vậy, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và toàn bộ tác phẩm quý báu trong sự nghiệp văn chương của Bác lúc nào cũng mang dấu ấn rõ nét về phong thái mẫu mực, ngôn ngữ trầm tĩnh của một nhà giáo tâm huyết.
          Trường Dục Thanh - ngôi trường tư thục đầu tiên được thành lập năm Bính Ngọ (1906) của trung tâm tỉnh Phan Thiết. Là ngôi trường đầu tiên của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, được mở ra để dạy học con em trong vùng. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành lúc đó là người trẻ tuổi nhất trong bảy thầy giáo tại đây, sự khởi nghiệp của thầy giáo Nguyễn Tất Thành đầu tiên tham gia giảng dạy những tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ của các chí sĩ yêu nước như: Phan Chu Trinh, Trần Lệ Chất, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Qúy Anh, Trần Quý Cáp… có ảnh hưởng lớn ở miền Trung và Nam Trung Bộ cho khoảng vài chục học sinh các lớp Tư, Ba, Nhì, Nhất. Ấn tượng đầu tiên của người học cảm nhận được khi Người dạy học trò ở đây là: Chữ là mắt! Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ, con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước…
            Tháng 2 năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Trước khi rời khỏi trường Dục Thanh, thầy Nguyễn Tất Thành không quên gửi lại lời nhắn nhủ: “Các trò thân yêu, thầy biết các trò rất yêu quý thầy. Nhưng thầy không thể ở lại trường Dục Thanh lâu hơn được nữa. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ về một ngày mai nước nhà độc lập đang kêu gọi thầy dấn bước ra đi... Thầy đi xa nhưng lòng vẫn nhớ, vẫn gần các em. Thầy mong các em học giỏi, chăm ngoan, biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quý mọi người”.
          Ngày 5.6.1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Văn Ba, xin được làm phụ bếp trên một con tàu của Pháp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu dân, cứu nước. Cũng từ đây, đánh dấu một chặng đường bôn ba đầy chông gai, gian khổ nhưng hết sức phi thường của một con người suốt đời cống hiến, hi sinh cho dân tộc Việt Nam, cho hoà bình, hạnh phúc của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.
          Không chỉ là người thầy vĩ đại, uyên bác về tri thức mà người còn đào luyện nên những thế hệ lãnh đạo cách mạng “khai quốc công thần” của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Sau này, khi hoạt động ở nước ngoài cũng như trong nước, Hồ Chí Minh đã giảng dạy ở nhiều nơi, mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng. Người cũng đảm nhận nhiều môn học như chính trị, ngoại ngữ, lịch sử, văn chương... Học trò của Người thuộc nhiều đối tượng, cán bộ đảng viên, bộ đội, dân công, già trẻ, trai gái, miền xuôi, miền ngược... nhưng trong đó quý báu nhất là Người đã trực tiếp lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo ra những người con ưu tú của dân tộc, những bậc hiền tài xuất chúng như: Hoàng Văn Thụ, Lý Tự trọng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp; Phạm Văn Đồng; Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sơn, Trần Đại Nghĩa… Có lẽ chưa thời đại nào trên đất nước chúng ta, việc lựa chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ được chuẩn bị công phu, rồi lại được đem ra trải nghiệm từ trong thực tiễn những bậc học trò, những nhà cách mạng suốt đời tận tuỵ vì nước vì dân, “dĩ công vi thượng”, đặt Tổ quốc lên trên hết, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân như trong thời đại Hồ Chí Minh.
          Có thể thấy, bước chân vào đời đầu tiên khởi nghiệp là một thầy giáo dạy chữ, truyền bá lí tưởng sống, lí tưởng cách mạng, giá trị con người, giá trị dân tộc độc lập, giá trị nhân văn, quyền được sống, quyền được sung sướng và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người Việt Nam. Từ ngôi trường nhỏ Dục Thanh (Phan Thiết), đã đưa Người đến với nghề giáo một cách hết sức tự nhiên, một mẫu hình nhân cách lớn, nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý, đào luyện ra những bậc khai quốc công thần, suốt đời tận tuỵ, phấn đấu hi sinh cho dân cho nước. Dưới ngọn cờ tập hợp và dẫn dắt của người thầy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã vượt qua sự khủng hoảng về đường lối, vượt mọi giông bão, thác ghềnh, chọn đúng thời cơ, thời điểm, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện như hiện nay.
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Suốt cả cuộc đời mình, Người đã dành biết bao tâm trí cho sự nghiệp giáo dục. Trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết''. Người đặc biệt rất quan tâm đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, đạo đức tác phong, phương pháp của thầy, cô giáo trong xã hội. Muốn có nền giáo dục tốt phải có mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục tốt; có cơ sở vật chất, người dạy và người học… trong đó, người thầy là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Không có thầy giáo thì không có giáo dục; học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hoặc xấu… Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc tháng 9 năm 1958, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính Phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú”.  Người đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Việc “dạy dỗ” ở đây chính là người thầy giáo phải đem sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của mình truyền đạt cho người học, làm cho người học phát huy khả năng của bản thân, phát triển các mặt đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục để trở thành người lao động chân chính, có ích cho xã hội. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, gắn liền với sự nghiệp của những người thầy, cô trong xã hội. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
          Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác  nhấn mạnh yêu cầu của nền Giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”. Bác nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau:
          Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng;
          Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật;
          Thứ ba, các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
          Cuối thư, Bác yêu cầu của nền giáo dục nước nhà: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó".
            Đã từng là một thầy giáo trước khi trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thầy giáo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên mọi phương diện đều hết lòng, hết sức truyền đạt tri thức, kinh nghiệm và tư tưởng, phương pháp tiến bộ, gieo vào tâm thức các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta toàn bộ nội dung tư tưởng, phương pháp cách mạng đúng đắn, khoa học và hiện thân của một tấm gương đạo đức trong sáng. Tư tưởng, đạo đức của Người đã, đang và sẽ tiếp tục tỏa sáng cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, trước hết là tiếp tục toả sáng trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Việt Nam trong thời đại mới. Cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh là tấm gương để mỗi người dân Việt Nam noi theo và phấn đấu.
          Trong giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp giáo dục phải được tăng cường, những thầy, cô giáo phải ra sức rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong sự nghiệp trồng người, nuôi trồng nhân cách. Trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, nội dung và phương pháp, thể hiện là tấm gương sáng trong mọi lời nói và hành động, đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn./.

                     Phạm Thanh Hương
Phòng Tuyên truyền giáo dục
           
 

Thông tin tham quan

Liên kết website