Giới thiệu nội dung Triển lãm chuyên đề "Khắc sâu tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam"
16/08/2022 5:19:44 CH
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác (18/7/1977; 18/7/2022) và 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962; 5/9/2022), Khu di tích Kim Liên phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề: "Khắc sâu tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kay xỏn phôm vi hãn
 
Với hơn 100 hình ảnh được dàn dựng công phu, nghiêm túc là tài liệu tuyên truyền quý và có ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết hợp tác toàn diện giữa hai nước; giúp cho công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào. Triển lãm được cắt băng khánh thành và trưng bày tại khu di tích Kim Liên từ ngày 10/9/2022. Chúng tôi xin được giới thiệu một số hình ảnh và nội dung chính của triển lãm để nếu quý vị chưa có dịp về Kim Liên theo dõi trực tiếp thì có thể tìm hiểu nội dung tại đây.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng Thân Xuphanuvong
 
Lời giới thiệu:
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải; có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử; quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; đặc biệt trong những thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Hoàng thân Xu phanuvong đã trực tiếp đặt nền móng, được các thế hệ kế tục của hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Nội dung triển lãm được chia thành 3 phần chính: 
Phần1: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng Thân Xuphanuvông, Chủ tịch CayXỏn PhômViHản - Những người đặt nền móng đầu tiên cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.
Phần 2: Kề vai sát cánh trên chặng đường lịch sử.
Phần 3: Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết.
"Nền tảng của quan hệ Việt Nam - Lào xuất phát từ quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng gần gũi, cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương. Mối quan hệ ấy trở nên "đặc biệt" từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện( nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào).
 Lật lại những trang sử vàng vẻ vang của hai dân tộc, ta thấy:
-Từ triều Tây Sơn đã có những văn bản chiêu mộ nghĩa binh giúp Lào: "Hãy chiêu mộ nghĩa binh ở các sách thuộc Châu Quy Hợp, được bao nhiêu thì thành lập đội ngũ để theo quan đô đốc Khâm Sai đặc tiến vệ quốc ở đồn Đại Nài đi đánh giặc...".
- Và khi bị Thực dân Pháp xâm lược thì "Lịch sử đã ghi nhận cuộc khởi nghĩa Hạ Lào do ông Keo và ông Côm ma đăm lãnh đạo (1901- 1937) phối hợp với nghĩa quân dân tộc Xơ-Đăng ở Tây Nguyên (Việt Nam) hay phong trào chống Pháp của người Mông ở Tây Bắc, Việt Nam do Chau Phạ Pắt Chây lãnh đạo đã lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh biên giới hai nước thuộc Thượng Lào và Tây Bắc Việt Nam đã minh chứng cho sự đồng sức đồng lòng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc của hai dân tộc".
- Đầu những năm 20 của thế kỷ trước, trong lúc bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã rất quan tâm đến tình hình tại Lào, người đã có những bài viết quan trọng tố cáo sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Người viết: “Ở Luông Pha Băng, nhiều người phụ nữ nghèo khổ, thảm thương phải mang xiềng xích đi quét đường chỉ vì tội không nộp đủ thuế ..."
Để chuẩn bị điều kiện cho việc xây dựng một chính Đảng lãnh đạo Cách mạng Đông Dương vào năm 1925 đồng chí Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê Nin tại hai nước, hình thành những tổ chức tiền thân của Đảng tại Việt Nam và một số nơi trên đất Lào. Những năm 1928-1929 Nguyễn Ái Quốc đã hai lần tới Lào để xây dựng cơ sở cách mạng, khu lưu niệm Bác Hồ ở huyện Nọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn đã ghi dấu sự kiện này. Tháng 2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 4/1930 một số chi bộ Cộng sản Lào đã ra đời ở Viêng Chăn, Pạc xê, Thà Khẹc...
Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Ngay sau đó, vào ngày 4/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvông ra Hà Nội gặp gỡ, trao đổi về tình hình cách mạng hai nước. Đây là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng thân, sau này ông có dịp nhắc lại: ” Cuộc tiếp kiến lần đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp tôi khẳng định dứt khoát phải theo đuổi sự nghiệp cách mạng, đến với Đảng Cộng sản và dấn thân vào công cuộc chiến đấu cứu dân, cứu nước Lào". 
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản sau khi gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội, đồng chí đã trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Lào, sự nghiệp cách mạng của  Lào trong suốt mấy thập kỷ qua luôn gắn liền với tên tuổi, công lao to lớn của đồng chí. Đồng chí luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với sự nghiệp Cách mạng Lào và luôn dày công vun đắp cho mối đoàn kết Lào- Việt, đồng chí khẳng định: " Sông có thể cạn, núi có thể mòn song mối quan hệ hữu nghị Lào - Việt mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông".
Những cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoàng thân Xuphanuvông, với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, và các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Lào luôn trong không khí giản dị, thân tình và ấm áp. Năm 1956, đón tiếp Hoàng thân Suvana Phu ma, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động đọc những vần thơ chứa chan tình cảm:
" Bấy lâu cách trở quan hà
Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. 
 
II. Kề vai sát cánh trên chặng đường lịch sử: 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cách mạng hai nước đã giành thắng lợi; sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Chính phủ Lào Itxara là cơ sở quan trọng đưa tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Lào lên tầm liên minh chiến đấu, cùng chung sức chống kẻ thù chung, thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và tiếp tục chống đế chủ nghĩa thực dân mới của quốc Mỹ.
Sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký hiệp ước tương trợ Việt Nam - Lào, hiệp định về tổ chức liên quân Lào - Việt; đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước, liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt - Lào ngày càng được tăng cường. Núi Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động cho mối quan hệ keo sơn "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".
Theo tinh thần đó, từ năm 1948 quân và dân Việt Nam tăng cường lực lượng sang phối hợp, giúp đỡ nhân dân Lào đẩy mạnh kháng chiến.
Tháng 4/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đơn vị ta có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng Lào ngày 3/4/1953 có đoạn viết: "Lần này là lần đầu tiên các chú nhận nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình". Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến Lào đã nối thông với các vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam và Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương tiến lên một bước mới. Từ sau thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, Ban cán sự Đảng Lao động Việt Nam ở Lào đã phối hợp giúp Lào thành lập Đảng Nhân dân Lào.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và Lào. Ngày 5/9/1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử mối quan hệ hai nước. Đại sứ Việt Nam Lê Văn Hiến và đại sứ Lào Pheng No-rin là những sứ giả đầu tiên của hai nước. 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào, nhận được sự chi viện, phối hợp tác chiến đồng bộ, hiệu quả của quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang cách mạng Lào phát triển nhanh, không ngừng lớn mạnh. Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không ngừng được tăng cường, giành thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường, như chiến dịch Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng; chiến dịch Đường Số 9, Nam Lào...
Qua quá trình liên minh chiến đấu, nhân dân hai nước càng thêm tin tưởng, gắn bó khăng khít; tình cảm giành cho nhau càng thêm sâu sắc, đậm đà. Đó là nền móng vững chắc để tăng cường mối quan hệ hữu nghị đoàn kết trong thời kỳ lịch sử mới. Trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam (Tháng 12/1968): Đồng chí Cayxỏn Phômvihản phát biểu:" Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Các đồng chí đã giúp đỡ chúng tôi cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào... Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt".  Sau thắng lợi của nhân dân Việt Nam vào tháng 4/1975. Ngày 5/5/1975 Bộ chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào đã phát động toàn đảng, toàn dân, toàn quân nổi dậy giành chính quyền và giành thắng lợi vào tháng 12/1975. Thắng lợi này là thắng lợi to lớn của nhân dân các dân tộc Lào và đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào. Sau những tháng gắn bó trên đất bạn, quân tình nguyện Việt Nam chuẩn bị lên đường về nước, đã có những cuộc chia tay vô cùng xúc động: những bà mẹ Lào đã khóc, hỏi han, quyến luyến giữ lại đồ của các anh làm kỷ niệm. Tình cảm thắm thiết đặc biệt như vậy, trên thế giới chỉ Việt Nam và Lào mới có được. Đúng như Hoàng Thân Xuphanuvong đã ca ngợi : “Quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và Việt Nam thật là vĩ đại, không thể có bài hát, bài thơ nào ca ngợi hết được. Tình đoàn kết Lào - Việt Nam cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”. 
Trung ương Đảng Việt Nam cũng luôn theo dõi sát sao và cổ vũ, động viên kịp thời những bước tiến của cách mạng nước bạn, hết sức trân trọng những văn kiện được ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Vương quốc Lào và thường xuyên gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào, bàn về tình hình cách mạng hai nước.
 
III. Đẩy mạnh tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện trên công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ sau năm 1975, quan hệ hai nước Việt Nam - Lào được nâng lên một tầm cao mới, đó là mối quan hệ: "Hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện" giữa hai Đảng, hai Nhà nước mà bằng chứng sinh động là Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào do thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Cay Xỏn Phômvihản ký ngày 18/7/1977 . 
Kế tục sự nghiệp của các nhà lãnh đạo tiền bối, trong giai đoạn cách mạng hiện nay hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục không ngừng được củng cố, tăng cường, giữ gìn và phát triển. Tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến viếng thăm lẫn nhau:
- Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thăm Lào tại thủ đô Viên Chăn, ngày 23/4/2005.
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại Lào năm 2015.
- Thủ tướng nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Lào Thongloun Sisoulith thăm VN năm 2017.
- Hình ảnh lễ đón chính thức Tổng bí thư, Chủ tịch Lào Bounhang Volachith vào tháng 12/2017.
Thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, Việt Nam và Lào đã trao tặng nhau những món quà đầy ý nghĩa:
- Chính phủ Lào xây dựng ngôi nhà lưu niệm tại Khu di tích Kim Liên.
- Việt Nam giúp Lào xây dựng công trình nhà văn hóa Cayxon phômvihan.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là  những năm gần đây hai Đảng, hai Nhà nước đã tiếp tục tăng cường quan hệ mật thiết giúp đỡ lẫn nhau, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào bằng các hoạt động cụ thể như: Kết nối giao thông đường bộ trên các trục huyết mạch, xây dựng tuyến cao tốc mới nối thủ đô Viên Chăn với Việt Nam; kết nối qua biên giới cảng biển tại cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh; tăng cường nâng cao vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau: đào tạo đội ngũ cán bộ ở các trường đại học và dạy nghề; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng về y tế, phòng chống đại dịch Covid - 19. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với an ninh quốc phòng, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới: Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh phối hợp tuần tra song phương với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bôlikhămxay, Lào;  giao lưu ngày truyền thống Bộ đội biên phòng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, hàng vạn liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên đất nước bạn Lào bởi vậy hai bên đã ký kết hợp tác phối hợp tìm hài cốt liệt sỹ, hàng năm vào ngày 27/7 đều tổ chức tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào.
"Nhìn lại chặng đường đã qua, tỉnh Nghệ An tự hào cùng với các tỉnh nước bạn Lào anh em đã góp phần tô thắm quan hệ truyền thống hai nước ". Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, Nghệ An là căn cứ của quân đội Pathed Lào, là một mũi xuất phát và tấn công trong chiến dịch thượng Lào, góp phần làm phá sản kế hoạch Nava, buộc Thực dân Pháp phải ký kết hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập của ba nước Đông Dương. Trong kháng  chiến chống Mỹ, Nghệ An và các tỉnh bạn Lào có chung đường biên giới tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, bảo vệ căn cứ địa, ổn định đời sống nhân dân. Bước ra khỏi chiến tranh, tỉnh Nghệ An đã tăng cường trao đổi ý kiến, chủ trương đường lối cách mạng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật, chính trị an ninh quốc phòng.
Sang thời kỳ đổi mới, quan hệ giữa Nghệ An và các tỉnh bạn chung đường biên giới có điều kiện phát triển, khai thác toàn diện. Đầu năm 2022, Nghệ An phối hợp với tỉnh Xiêng Khoảng tổ chức kết nghĩa 18 cặp xã đồn biên giới, các tổ chức được ký kết thường niên, góp phần sinh động chủ trương đối ngoại nhân dân, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại của VN trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Về thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên - Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin mời quý khách đến thăm một ngôi nhà sàn mang đậm phong cách kiến trúc văn hoá Lào, nơi đây trưng bày các hình ảnh, hiện vật về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và một số hoạt động văn hoá tiêu biểu của nhân dân các dân tộc Lào. Ngôi nhà lưu niệm này là một món quà vô giá thể hiện tình cảm tri ân, biết ơn sâu sắc của nhân dân các dân tộc Lào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam.
Thuyết minh viên: Nguyễn Thị Thanh HuyềnNguyễn Thị Hải.
 

Thông tin tham quan

Liên kết website