Gian nan hành trình cứu nước
05/06/2021 12:25:56 CH
Có lần, Bác chia sẻ với cụ Huỳnh Thúc Kháng- người bạn, người cộng sự tri kỷ của mình: "Tôi tưởng phải bỏ thây ở nước ngoài vì mấy chục năm tôi gặp không biết bao nhiêu là gian nan, nguy hiểm"

Như nhà thơ Tố Hữu ,"học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh" đã từng nói lên quyết tâm sắt thép của người thanh niên Cộng sản, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh:
                           Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
                           Dấn thân vô là phải chịu tù đày
                           Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
                           Là thân sống chỉ coi còn một nửa.
                                                                 ( Trăng trối)
 Với khát vọng" Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chấp nhận mọi hy sinh, bước vào hành trình vạn dặm của cuộc đời người lao động cực khổ, nhiều sóng gió, thử thách.
                Sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX  làm cho cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng về đường lối. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy phương pháp do những người đi trước sẽ chưa giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của các bậc tiền bối đã là một điều khó khăn, để tìm ra một đường đi mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc độc lập, tự do lại càng khó khăn hơn. Bác không đến Nhật Bản và phương Đông. Bác đến phương Tây, đến Pháp- sào huyệt của kẻ thù xâm lược, thống trị nước ta, đến nơi sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát, tàn bạo." Muốn bắt cọp thì phải vào hang", con đường cứu nước mới, đúng đắn nhưng gặp vô vàn nguy hiểm, gian nan. Bác rủ một số bạn cùng đi nhưng đến phút cuối cùng chỉ có Bác bởi ai cũng thấy được sự khó khăn, mạo hiểm. Anh Nguyễn nói với bạn: "Tôi có đôi bàn tay đây" bằng một hành động kiên quyết, táo bạo, tự mình lựa chọn, khai phá, mở đường cho một phương pháp cứu nước mới với lòng quả cảm, dám hy sinh, vượt lên phong ba, bão táp. Sự ra đi cứu nước của Nguyễn Tất Thành được lịch sử chấp nhận như "Cuộc ra đi lịch sử". Từ đây, vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là phi thường, sáng suốt. Chính vì thế, ngày 5-6-1911, khi con tàu Amiran Latusơ Trêvin nhổ neo rời cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã là Anh hùng giải phóng dân tộc chúng ta.
                              
 Hành trang "Đôi bàn tay", Bác đã lao động bằng tất cả sức lực. Nguyễn Tất Thành sang phương Tây với tư cách người lao động, hòa mình vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đủ màu da để tìm thấy chủ nghĩa Cộng sản, tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn. Trong hành trình ấy, với lòng quả cảm, nhiệt huyết tuổi trẻ và một định hướng rõ ràng, dù không vốn liếng, chưa có người đồng hành nhưng Bác không quản ngại gian khổ, chấp nhận làm mọi nghề lao động chân tay cực nhọc để sống, để đi và hoạt động cách mạng. Đó là một cuộc hành trình dài đầy phong ba, bão táp của Người trên bước đường cứu nước. Một chuyến đi huyền thoại suốt ba mươi năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày ra đi, Nguyễn Tất Thành làm việc trên tàu, phục vụ hàng trăm bàn ăn cho các sỹ quan, thương gia giàu có với những tháng ngày dập dềnh trên biển, luôn rình rập hiểm nguy:
                       "Từ đó, Người đi những bước đầu
                         Lênh đênh bốn biển, một con tàu
                         Cuộc đời sóng gió.Trong than bụi
                         Tay đốt lò, lau chảo, thái rau".
 Số tiền lương ít ỏi, anh Nguyễn phải thức khuya dậy sớm, làm đủ mọi thứ từ lau chùi, quét dọn, phụ bếp. Công việc nặng nhọc, tất bật từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối.
                       - Văn Ba, lấy than
                       - Văn Ba, quạt bếp
                       - Văn Ba, mang rau...
Công việc thường xuyên đi giữa căn bếp nóng nực và phòng kho lạnh buốt. Có công việc gần như ngoài sức tưởng tượng là phải rửa sạch những chiếc nồi đồng to, nặng không thể nhấc nổi. Có lúc phải khuân vác đồ nặng trên tàu chòng chành. Suốt ngày anh Ba đẫm mồ hôi, hơi nước và bụi than. Nhưng người thanh niên gầy gò, mảnh khảnh, dáng vẻ "thư sinh" ấy luôn hoàn thành công việc. Mệt lả sau một ngày dài, Nguyễn Tất Thành còn thức khuya hơn nữa để đọc sách, viết lách, học ngoại ngữ. Dường như anh không có thời gian nghỉ ngơi. Vất vả là vậy nhưng đối với Bác đó là những thử thách để phấn đấu trong hành trình cứu nước. Như nhà thơ Văn Đình Ưng xúc động viết:
                    Nào gọt khoai tây, củ cải, măng
                    Nào chất củi, thêm than vào lò, thổi lửa
                    Nào kéo chảo ra, nào bê nước vào, mệt lả
                    Khi tàu chòng chành, lúc sóng cả, bão giông
                    Vất vả nhọc nhằn không quật ngã được Anh
                    Bởi sức mạnh trong Anh là lòng yêu nước
                    Là khát khao đi tìm tự do độc lập
                    Tìm con đường cứu nước cứu dân.
Có lần, Bác suýt chết vì sóng lớn cuốn mọi vật trên sàn tàu. Nhiều lúc tưởng chừng như Bác không thể nào vượt qua được thử thách đầu tiên. Bằng ý chí, nghị lực phi thường, Người đã không chùn bước. Bàn chân của Bác đã từng in dấu trên các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ, gần 30 nước với chặng đường dài khoảng hai mươi vạn ki lô mét. Người đến những trung tâm văn minh nhất thế giới tới những nơi bần cùng, đau khổ nhất của nhân loại. Những tháng năm ở đất khách quê người, Bác làm đủ mọi nghề lao động vất vả, nặng nhọc để sống và hoạt động cách mạng, như cào tuyết, đốt lò, rửa bát thuê, thợ ảnh, khuân vác. Bác đến châu Phi. Khí hậu châu Phi rất nóng, tàu chở hàng chòng chành, dễ bị say sóng lại không có bầu bạn. Nhưng anh Ba nói: "Tôi chịu được khổ. Tôi muốn đi xem các nước".
                  "Và ở Nam Phi, Người cũng đo được đói rách tận cùng
                  Của những người Ấn cùng đinh sang đó".
Đến Anh, Nguyễn Tất Thành nhận cào tuyết cho một trường học. Giữa thời tiết Châu Âu lạnh buốt, Người đẫm mồ hôi, chân tay rét cóng:
                "Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
                  Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?"
Cào tuyết rất khó vì tuyết trơn. Xong tám tiếng, anh Nguyễn mệt lử và đói bụng. Sau này, Bác nhớ lại:" Hồi ấy Bác làm bồi tàu, làm người quét tuyết ở Anh rồi đi làm phụ bếp. Làm việc từ sáng đến tối. Đêm đến mới hết việc, mới được đọc sách, đọc báo. Cứ mỗi buổi sáng đi cọ sàn tàu, cọ thùng, đánh nồi, rửa bát, thái thịt, băm rau. Hết ngày người mồ hôi đầm đìa". Bác làm việc đốt lò. Năm giờ sáng đã phải chui xuống hầm nhóm lửa, đốt than. Công việc này cũng thật đáng sợ vì luôn ở trong cảnh tranh tối tranh sáng. Trong hầm vô cùng nóng, ngoài trời lại giá rét, không đủ quần áo ấm nên Bác bị cảm lạnh mấy tuần. Tiền dành dụm trả tiền phòng, tiền bánh mì và học tiếng Anh. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra ác liệt. Tình hình Đông Dương đang có những biến động. Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp hoạt động trong phong trào Việt kiều và công nhân Pháp. Nước Pháp bị ngạt thở vì khói lửa chiến tranh và cũng cực kỳ nguy hiểm. Việc làm không ổn định, giá sinh hoạt đắt đỏ, cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc gặp nhiều khó khăn. Để chống lại những đêm mùa đông giá rét, Bác dùng hơi ấm từ viên gạch để cạnh bếp lò của người chủ nhà bọc vào tờ báo cũ đặt dưới gầm giường cho đỡ lạnh. Nhà thơ Chế Lan Viên đã xúc động diễn tả lại:
               Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
               Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá.
Với số ít tiền kiếm được, Nguyễn Tất Thành sống rất nghèo khổ để dành tiền thuê in bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc xây, tới đại biểu các nước đồng minh, tới Việt kiều, người Việt đi lính ở Pháp và gửi về Đông Dương. Lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam dám vạch trần tội ác của thực dân Pháp ngay tại Pari, tả lại nỗi thống khổ của nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố thậm tệ. Vì thế, bọn thực dân Pháp thù ghét, theo dõi Nguyễn Ái Quốc không rời một bước. Như vậy, không chỉ khó khăn, thiếu thốn về vật chất mà khi Bác đến đất nước của kẻ thù nghĩa là phải sống trong vòng vây của kẻ thù. Nguyễn Ái Quốc luôn bị kẻ thù giám sát, tìm mọi thủ đoạn hãm hại. Như lời hăm dọa của quan thượng thư Pháp lúc bấy giờ:"Nước mẹ đại Pháp sẽ không tha thứ những kẻ gây rối loạn. Nước mẹ đại Pháp đủ sức bẻ gãy họ".
                 Lũ đế quốc như bầy quỷ sống
                 Nướng người ăn, nhảy nhót, reo cười.
 Trong cuốn sách" Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử"- NXB Chính trị Quốc gia, chúng ta thấy dày đặc sự theo dõi qua báo cáo của mật thám Pháp. Dường như Bác đi đâu, bọn mật thám cũng ghi lại. Những hoạt động sôi nổi, tích cực của một người Việt Nam yêu nước, một Chiến sĩ Cộng sản quốc tế xuất sắc, Nguyễn Ái Quốc bị coi là kẻ thù số một của đế quốc, thực dân. Năm 1929, Người  bị kết án tử hình vắng mặt. Năm 1931, Người bị thực dân bắt giam trong nhà ngục Victoria, bị đưa ra xét xử trong chín phiên tòa căng thẳng với hai năm trời đằng đẳng. Đây có thể xem là thời kỳ sóng gió, thử thách trong hành trình cứu nước ba mươi năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Luận cương của Lê-nin và cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, Bác xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn: " Chỉ có Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ". Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi hiểm nguy đến với chủ nghĩa Mác- Lênin. Hồi đó, đi Nga là việc rất khó khăn và nguy hiểm. Sau cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, Nga bị các đế quốc bao vây chặt chẽ. Sang Nga có thể bị bọn phản động đế quốc bắt hoặc thủ tiêu. Mùa đông ở Nga, có ngày rét đến âm 40 độ C, lạnh cắt da cắt thịt. Khi về Quảng Châu( Trung Quốc) hoạt động, Bác cũng không thoát khỏi sự chú ý của mật thám. Nguyễn Ái Quốc được xếp vào hàng đầu danh sách những người mà cảnh sát quốc tế thuộc địa lùng bắt bằng được. Người phải tìm chỗ ở, nơi làm việc mới. Cuộc sống đói khát, công việc thất thường. Có lúc, Bác phải đi bán báo, thuốc lá ngoài đường phố, phải rút vào hoạt động cách mạng bí mật.
               "Người đã sống cùng phu Quảng Châu, Thượng Hải
                Và đo được mức tận cùng đói rách"
Vừa lao động vất vả kiếm sống, vừa học thêm, tìm hiểu nghiên cứu tình hình các nước, vừa hoạt động chính trị tích cực trong sự theo dõi, lùng sục gắt gao nhưng  Bác không bao giờ chùn bước. Bởi Người luôn nặng lòng thương Tổ quốc mình, nhân dân mình đang bị giày xéo, áp bức. Ý nghĩa đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm khảm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Như Bác nói:" Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước bị áp bức, bị bóc lột". Bác đã khảng khái trả lời quan thượng thư Pháp khi ông ta muốn mua chuộc:" Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập". Mặc dù cuộc sống nghèo túng trong phòng trọ rẻ tiền ở xóm lao động lại luôn bị theo dõi, dọa dẫm nhưng Người không nao núng, luôn vui vẻ, hăng hái đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới.
Kể sao hết những vất vả, gian truân, hiểm nguy của Bác trong hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân suốt ba mươi năm ấy:
              "Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
              Tìm đường đi cho dân tộc theo đi
              Hiểu sao hết Người đi tìm hình của Nước
              Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người".
                    Năm 2021, cùng cả dân tộc, Khu di tích Kim Liên hướng về kỉ niệm tròn 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021). Nhìn lại hành trình ba mươi năm đầy gian khổ, mỗi cán bộ, đảng viên muốn khắc sâu vào tâm trí những hy sinh lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua với tấm lòng xúc động, trân quý, tri ân vô hạn công ơn trời biển của Bác dành cho nhân dân, đất nước. Chúng ta càng thêm suy nghĩ, sống sao cho xứng đáng để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác mong mỏi, để mãi không phụ công ơn cứu nước gian nan của Người./.
 
 

                                                                    Lê Hà
 PhòngTuyên truyền giáo dục.
 
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website