Cụ Phan Bội Châu và Bác Hồ (Nhân Kỷ niệm 82 năm ngày mất cụ Phan Bội Châu 29/9/1940- 29/9/2022 ÂL)
24/10/2022 3:01:54 CH
Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu sinh năm 1867 ở làng Đan Nhiệm, nay là xã Xuân Hòa, Nam Đàn, Nghệ An. Cụ Phan là bạn đồng học với cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ. Cùng quê, cùng học, lại hay lui tới nhà riêng đàm đạo văn chương, thế sự, nên cụ Phan Bội Châu biết cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ nhỏ.

Đại diện lãnh đạo và các phòng, ban Khu di tích Kim Liên thành kính tưởng niệm cụ Phan Bội Châu
 nhân kỷ niệm 82 ngày mất của ông

Năm 1900, Phan Bội Châu đỗ thủ khoa kỳ thi Hương trường Nghệ. Vài năm sau, cụ thành lập hội Duy Tân và xuất dương sang Nhật Bản tìm đường cứu nước. Những ngày ở quê hương, cụ Phan thường về làng Kim Liên, vào nhà cụ Phó bảng. Qua câu chuyện của các cụ đàm luận, trao đổi về tình hình nước nhà, cậu bé Nguyễn Sinh Cung lắng tai nghe và hiểu được nỗi trăn trở của các bậc cha chú để rồi sau này chính cụ Phan đã kể lại rằng: “Lúc còn bé đi học, tôi cũng thông hiểu chút ít đại nghĩa, vẫn không thích làm người tầm thường, thỉnh thoảng lại ngâm câu thơ trong sách Tùy Viên: Túc dạ bất vong duy trúc bạch; lập thân tối hạ thị văn chương (tức là: Khuya sớm những mong ghi tên vào sử sách; lập thân hèn nhát ấy văn chương). Ông Nguyễn Ái Quốc lúc lên 10 tuổi, nghe tôi lúc rượu say ngâm câu này, đến bây giờ ông vẫn còn thuật lại”.

Đầu năm 1905, cụ Phan xuất dương và tổ chức phong trào Đông du đưa thanh niên sang Nhật. Uy tín của Phan Bội Châu ngày càng lớn trong và ngoài nước. Cụ Phan muốn đưa Nguyễn Tất Thành và một số thanh niên sang Nhật nhưng anh không đi. Với trí thông minh thiên bẩm, Nguyễn Tất Thành suy nghĩ về nguyên nhân thất bại của các phong trào đầu thế kỷ XX cũng như phong trào Cần Vương trước đó, đặc biệt đối với con đường Đông Du của cụ Phan. Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước thiết tha của cụ, Nguyễn Tất Thành thấy rõ: Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Sau này con đường của Người là đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Phan Bội Châu và Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc mỗi người một ngả, dấn thân vào con đường cứu nước riêng. Mãi đến những năm 1924 - 1925, hai người mới có dịp liên lạc với nhau trên đất khách quê người. Ấy là lúc cụ Phan, sau những lần thất thế sa cơ, đang nương nhờ gia đình Hồ Học Lãm trên đất Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, viết bài cho Báo Binh sự tạp chí của Lâm Lượng Sinh, sống qua ngày. Đó cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc từ Moscow, theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, về Quảng Châu tiếp tục chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để thành lập một đảng cộng sản ở Đông Dương. Trước khi Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Phan Bội Châu có mặt để liên hệ xin cho thanh niên Việt Nam vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Thời gian này, nhận ra xu thế cách mạng đã nghiêng về cách mạng thế giới, Phan Bội Châu định cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân đảng, thảo Đảng cương và Chương trình đại lược cũng theo như chương trình Quốc dân đảng Trung Hoa. Trong khoảng mười ngày đầu tháng 2-1925, Người gửi liên tiếp hai lá thư cho Phan Bội Châu, lúc này đang ở Hàng Châu. Ngày 14-2-1925, Phan Bội Châu gửi thư trả lời Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc). Trong thư, cụ Phan xưng hô bằng “bác, cháu”. Cụ cho biết đã nhận được thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc do Hồ Tùng Mậu chuyển. Thư cụ Phan viết: “Học vấn, trí thức của cháu nay đã trưởng thành quá nhiều... Nhớ lại hai mươi năm trước, khi đến nhà cháu uống rượu, gõ án ngâm thơ, anh em cháu đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu thì bác thấy rất xấu hổ... Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn lại vừa mừng, buồn là buồn cho thân bác, mừng là mừng cho đất nước ta...”. Trong thư, cụ Phan muốn có một chuyến về Quảng Đông gặp Nguyễn Ái Quốc để bàn luận vì trong lòng có nhiều chuyện muốn hỏi ý kiến người cháu của mình. Cụ Phan yêu cầu: “Nếu không coi già yếu là đồ bỏ đi thì cháu viết thư nhiều cho bác, bác thành thật yêu cầu cháu đấy!...”. Bức thư có đoạn cụ Phan đánh giá về Nguyễn Ái Quốc rất cao: “Cháu học vấn rộng rãi và từng đi nhiều nơi, hơn bác cả chục cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu tất vượt sức đo lường của bác. Bác không biết cháu có thể chia sẻ cùng bác một hai việc?...”.
Mong muốn gặp người cháu của Phan Bội Châu không thực hiện được. Tháng 6-1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu để cùng những nhà cách mạng Việt Nam tại đây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái, Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt tại ga Bắc Trạm, Thượng Hải, rồi sau đó đưa về nước, tống giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội…
Lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đang làm việc tại Quảng Châu đã dựng lên một cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa Toàn quyền Đông Dương Varen và nhà cách mạng Phan Bội Châu tại Nhà tù Hỏa Lò với tựa đề Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, được đăng trên Báo Le Paria, số kép 36-37, tháng 9 và tháng 10-1925. Bài báo đó viết: “… Nhưng chúng ta hãy theo dõi, theo dõi bằng đôi cánh của trí tưởng tượng, những trò lố chính thức của ông Varen. Hãy theo ông đến tận Hà Nội, tận cổng nhà lao chính, tận xà lim, nơi người đồng bào tôn kính của chúng ta đang rên xiết.
Ôi thật là một tấn kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán! Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ.
Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng, giữa hai con người đó xảy ra chuyện gì đây?
- Tôi đem tự do đến cho ông đây! Varen tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái nâng cái gông to kệch đang siết chặt Phan Bội Châu trong tù ảm đạm..”
Cho đến năm 1929 cụ Phan bị giam lỏng ở Bến Ngự Huế với cuộc đời “Ông già Bến Ngự”. Tuy rơi vào một tâm trạng cô quạnh, buồn rầu, bi quan tiêu cực của một con người đã bị thời đại vượt qua và cảm thấy mình hoàn toàn bất lực, nhưng mỗi khi nghe ai nhắc tới Nguyễn Ái Quốc thì cụ Phan lại bừng lên một niềm tin tưởng. Cuối đời, chính Phan Bội Châu đã thừa nhận: “Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn, đó là bởi tôi tuy có lòng mà thật bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng độc lập, nhất định phải thế. Hiện nay đã có người khác giỏi hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà lớp chúng tôi không làm xong. Đó là Nguyễn Ái Quốc”. Trong thời gian ở Huế, Khi cụ Đào Duy Anh hỏi cụ Phan về câu Sấm: “Nam Đàn sinh Thánh” và cho rằng có lẽ “Thánh” đó là chỉ cụ Phan, thì cụ Phan cương quyết khước từ và nói: “Tôi đâu có phải là Thánh. Thánh có rồi mà chưa về đó thôi (ý cụ muốn chỉ Nguyễn Ái Quốc)”.

 Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc, hai con người, hai thế hệ sinh ra trên mảnh đất Nam Đàn Xứ Nghệ. Cùng những truyền thống tốt đẹp ở quê hương và những thăng trầm của những cuộc đấu tranh nổi dậy của người dân mất nước, với bầu nhiệt huyết, ý chí độc lập và khát khao tự do họ đã hiến dâng cả cuộc đời theo đuổi một mục đích cao cả vì nền độc lập của dân tộc, vì sự tự do của nhân dân. Trên con đường cứu nước mỗi người có hướng đi riêng nhưng luôn dành cho nhau tình cảm nghĩa tình sâu nặng.

Kỷ niệm 82 năm ngày mất của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu ( 29/9/1940- 29/9/2022 ÂL) là dịp để chúng ta tìm hiểu thêm về tình cảm, mối quan hệ của Nguyễn Ái Quốc - Phan Bội Châu, nghiêng mình tưởng nhớ nhà chí sỹ yêu nước nhiệt thành, tấm lòng kiên trung  cùng quá trình hoạt động cách mạng của Cụ những năm đầu thế kỷ XX. Đó là kho tàng lịch sử quý báu để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ./.

                                                                                                 Kim Chi

Tài liệu:                                                                                  

(1) Theo Bức thư của Phan Bội Châu gửi Lý Thụy mà nhà sử học Vĩnh Sính công bố trên Tạp chí Xưa-Nay, số 38, tháng 4-1997.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 185-187.
(3) Phan Bội Châu niên biểu.

 

Thông tin tham quan

Liên kết website