CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG - NGƯỜI BẠN, NGƯỜI CỘNG SỰ TRI KỶ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
02/10/2021 2:18:33 CH
Trong cuộc đời mỗi con người, tìm được tri kỷ là điều quý giá nhất. "Trăm năm tri kỷ khó tìm Tri âm khó gặp bạn hiền khó quen". Tri kỷ là sự tin tưởng, sẵn sàng đồng hành cùng nhau. Người tri kỷ là người hiểu rõ, hiểu đúng mình. Sinh thời, Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng dù tuổi tác cách nhau 14 năm, thời gian làm việc cùng nhau chưa đầy hai năm nhưng mối quan hệ giữa hai người ngày càng thắm thiết. Cụ Huỳnh đã trở thành người bạn, người cộng sự tri kỷ của Chủ tịch H

Bác Hồ với cụ Huỳnh Thúc Kháng
     Cụ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đứng bên trái Bác Hồ)
 
Cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc nhỏ tên là Huỳnh Hanh, sinh tháng 10/1876 tại làng Thạnh Bình, tổng  Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay là  xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình nông hào, gốc Nho học. Đỗ tiến sỹ năm 1905 nhưng cụ không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Cụ đã cùng nhiều chí sỹ yêu nước như Phan Chu Trinh sáng lập ra phong trào Duy Tân nổi tiếng. Năm 1908, cụ bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo 13 năm. Sau khi ra tù, cụ lập ra báo Tiếng dân- một tờ báo có uy tín lớn lúc bấy giờ ở nước ta. Cụ được bầu làm Chủ tịch Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tuy đã 70 tuổi nhưng uy tín và tinh thần yêu nước của cụ Huỳnh vẫn có một ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
          Mối quan hệ thân tình giữa Bác Hồ và cụ Huỳnh trước hết được thể hiện trong cuộc sống đời thường. Hai người trò chuyện cùng nhau như những người bạn tri kỷ. Khi gặp cụ Huỳnh, Bác bỏ gậy, bỏ mũ, ôm choàng cụ. Hai người đều ứa nước mắt. Bác nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng: "Tôi tưởng phải bỏ thây ở nước ngoài vì mấy chục năm tôi gặp không biết bao nhiêu là gian nan, nguy hiểm". Cụ Huỳnh đã khóc vì xúc động, đồng cảm trước những sóng gió trong cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Huỳnh cũng chia sẻ với Bác: ''Khi còn ở Côn Lôn, tôi cũng tưởng không có ngày phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc vì án chung thân. Nay gặp Cụ tôi hả lắm". Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, có lúc cụ Huỳnh cảm thấy cô đơn, chán nản. Từ khi được gặp và hiểu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh không giấu nỗi niềm vui mừng khôn xiết, lòng toại nguyện vì gặp được một người bạn già tri kỷ:
                       "Bảy tuần đầu bạc như bông
                    Gặp người tri kỷ thôi xong đã già".
Bác Hồ đối với cụ Huỳnh như người thân. Bác luôn hỏi han, quan tâm sức khỏe cụ. Mỗi khi có món gì ngon, Bác mời cụ Huỳnh cùng thưởng thức. Năm 1946, cô Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội thăm Bác, mang theo chai tương Nam Đàn. Bác liền mời cụ Huỳnh Thúc Kháng đến dùng cơm thưởng thức hương vị quê hương xứ Nghệ. Có lần, nhân dân Thái Bình gửi biếu Bác hai chai mắm tôm đặc sản. Bác gửi biếu cụ Huỳnh một chai. Đúng là:
                   "Rượu quý chỉ uống cùng tri kỷ
                    Thơ hay để tặng bạn thơ ngâm".
Tấm lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho cụ Huỳnh vô cùng yêu mến. Ngay cả chuyện "riêng tư", hai người cũng hóm hỉnh thân tình. Thấy Bác thui thủi một mình, cụ Huỳnh rất cảm động, ứng khẩu hai câu thơ nhắc khéo Bác:
                   "Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già
                    Cụ ông thì thấy, cụ bà thì không?"
Bác chỉ cười, không nói gì. Trong chuyến sang Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhiều điện văn thăm hỏi tình hình ở nhà và sức khỏe cụ Huỳnh. Trong một bức điện riêng, Bác đã cảm ơn sự quan tâm của cụ Huỳnh và trả lời câu hỏi mà cụ đưa ra bằng bài thơ:
                   "Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời
                    Nhớ ơn cụ lắm cụ Huỳnh ơi
                    Non sông một mối chung nhau gánh
                    Độc lập xong rồi cưới vợ thôi".
Bác và cụ Huỳnh cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, đất nước. Hai cụ thường nhịn ăn một bữa trong tuần để cứu đói cho đồng bào, để bộ đội luyện tập, canh gác.
          Trong công việc, cụ Huỳnh cũng đã trở thành cộng sự tri kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch và cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn tôn trọng và tin tưởng nhau. Hai người rất tâm đầu ý hợp. Có lần, cụ Huỳnh muốn tha một người dân đang bị chính quyền địa phương bắt giam. Nhưng cụ chưa biết phải làm gì. Bác Hồ tôn trọng thẩm quyền tha - bắt công dân của cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ nên góp ý: "Cụ phê tha, tôi phê y". Người đã đánh giá về cụ Huỳnh Thúc Kháng: ''Con người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao". Trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi bức điện mời cụ ra Hà Nội tham gia Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Mặc dù đã ở tuổi 70 nhưng với tấm lòng vì dân vì nước, vì sự kính nể, cảm kích trước nhiệt tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thương cụ Hồ vất vả, công việc quá nhiều, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời. Cụ trở thành người cộng sự tri kỷ của Bác Hồ và đã có nhiều đóng góp cho cách mạng nước ta lúc bấy giờ. Sau ngày ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Bác nói với cụ Huỳnh: "Lư Hán sắp về nước mà bên Tàu họ còn trọng câu đối, trướng lắm. Cụ nghĩ cho 4 chữ để Chính phủ thêu bức trướng tặng Lư Hán". Cụ Huỳnh ứng khẩu đọc ngay: "Bắc phương chi cường", nghĩa là người mạnh phương Bắc. Nhưng thâm ý của câu này là chữ "cường" đứng cuối, nếu thêm một chữ thứ năm vào như "địch", "di", "tặc" thì ý nghĩa câu trên sẽ khác đi. Bác rất hiểu ý cụ Huỳnh, nhìn thấy được tài năng ứng biến, sự thâm thúy, khéo léo của cụ. Trước ngày đi thăm hữu nghị nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng mấy câu tâm huyết: ''Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ với anh em giải quyết cho". Bác tin tưởng ủy nhiệm cương vị Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh. Điều đó thể hiện sự trọng dụng, tín nhiệm tuyệt đối của Người đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đó cũng là biểu hiện trực tiếp nhất về sự tương đồng lý tưởng cách mạng giữa Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng. Người trao cụ sáu chữ ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến", nghĩa là lấy cái không biến đổi để ứng phó với muôn vàn sự biến đổi. Tuy câu chữ ngắn gọn nhưng ý nghĩa súc tích, là một nhà nho, cụ Huỳnh đã hiểu toàn bộ ý tứ Bác Hồ gửi gắm. Bác còn ân cần dặn dò các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp: "Các chú ở nhà làm việc gì phải bàn bạc với cụ Huỳnh, thuyết phục cụ, không có cái gì được ép buộc cụ". Không phụ lòng tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh giữ vững phương châm hành động ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến", hoàn thành rất tốt trọng trách, nhiệm vụ quyền Chủ tịch Chính phủ trong suốt bốn tháng Bác Hồ vắng mặt. Cụ Huỳnh đã trực tiếp chỉ đạo xử lý kiên quyết, triệt để vụ án Ôn Như Hầu, làm thất bại âm mưu của bọn phản động Quốc dân đảng và Đại việt cấu kết với thực dân Pháp làm đảo chính lật đổ Chính phủ nước ta. Sau khi từ Pháp về, Bác Hồ đã cảm ơn cụ Huỳnh: "Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ". Giữa tháng 4/1947, Cụ Huỳnh ốm nặng. Trên giường bệnh, cụ đọc cho thư ký chép bức thư riêng gửi Bác bày tỏ sự khâm phục của mình đối với Bác Hồ: "Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc.. Tin cụ Huỳnh từ trần, Bác Hồ vô cùng thương tiếc. Trong bài thơ điếu, Bác bày tỏ nỗi đau đớn mất một người bạn, một cộng sự tri kỷ :
                   "Tháng tư tin buồn đến
                    Huỳnh Bộ trưởng đi đâu
                    Trông vào Bộ Nội vụ
                    Tài đức tiếc thương đau
                    Đồng bào ba chục triệu
                    Đau đớn lệ rơi châu"
  Có thể nói, mối quan hệ tri kỷ của Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng bền vững trên lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc cháy bỏng. Mối quan hệ ấy được xây đắp bởi hai nhân cách lớn xuất phát từ sự gặp gỡ của lòng yêu nước thương dân, ham muốn độc lập, tự do cho dân tộc. Vì thế, cụ Huỳnh đã tự nguyện cộng tác chân thành với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cụ thực sự đã trở thành người bạn, người cộng sự tri kỷ của Bác Hồ .
                   Nhân dịp kỷ niệm 145 năm ngày sinh của cụ Huỳnh Thúc Kháng, cố Bộ trưởng Bộ nội vụ (1/10/1876 - 1/10/2021) và 30 năm ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10/1991 - 1/10/2021). Chúng ta cùng nhau ôn lại  và  xin được kính cẩn nhắc nhớ công lao của cụ Huỳnh đối với đất nước, nhắc nhớ người bạn già, người cộng sự tri kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, cụ Huỳnh là người duy nhất trong số các chí sỹ nho học đầu thế kỉ XX có đóng góp vào sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Sinh thời, nhắc đến cụ Huỳnh Bộ trưởng, Bác Hồ rơi nước mắt nói: "Cụ Huỳnh là một nhà cách mạng kiên trung, trung thành. Cụ mất là một điều thiệt thòi lớn cho dân tộc, cho Tổ quốc ta. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có hàng vạn đồng bào theo gương dũng cảm vì nước vì dân của cụ Huỳnh". Thế hệ hôm nay và mai sau nguyện sẽ học tập, noi gương cụ Huỳnh Thúc Kháng và Bác Hồ kính yêu./.
 
                                                                                Lê Hà
 
 
         

Thông tin tham quan

Liên kết website