CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – “MỘT CON NGƯỜI XỨ NGHỆ”
23/12/2022 3:35:05 CH

Ngành Văn hoá và Thể thao Nghệ An tổ chức lễ ra mắt các câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ 
nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca xứ Nghệ trong công chức, viên chức, người lao động

 
Xứ Nghệ là vùng đất lâu đời, nơi được xem là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống yêu nước rất đáng tự hào trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xứ Nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thừa hưởng được những truyền thống văn hóa của quê hương. Đó là cội nguồn góp phần hình thành và phát triển con người văn hóa Hồ Chí Minh.
Về con người Xứ Nghệ, tác giả “Nghệ An ký” Bùi Dương Lịch từng đánh giá: “Xứ Nghệ An đất xấu, dân nghèo, kém xa bốn trấn. Nhưng phong tục mà được thuần hậu, chính là nhờ ở chỗ đó. Vì nghèo nên mới tập được tính nhẫn nại, chịu đựng gian khổ và lấy sự cần kiệm tiết ước làm đầu”. Nhà vua Minh Mệnh thì phát biểu: “Ta xem người Nghệ An khí phách hào mại…, nên liệt thánh xưa kia lựa thân binh người trấn Nghệ An phần nhiều”. Một người Pháp cũng viết về người Nghệ Tĩnh: “Tính tình cứng cỏi, ham thích văn chương, cần cù lao động và dũng cảm kiên trì chống cõi đất cằn cỗi để sinh sống”…
Thật vậy, xứ Nghệ - đất rộng, người đông, khí hậu khắc nghiệt. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Cộng đồng dân cư Nghệ An đã phải cần cù lao động, chắt chiu tiết kiệm đến mức chịu thiếu, chịu khổ mà cuộc sống vẫn khó khăn. Hình ảnh lưu danh của các “ông đồ Nghệ” và câu chuyện lưu truyền “con cá gỗ”, đã cho thấy ý chí và nghị lực vươn lên, nhất là trong học tập, rèn luyện của con người nơi đây. Nghệ Tĩnh từ xưa đã nổi tiếng là đất học – nơi đã sản sinh ra nhiều bậc hiền tài cho đất nước. Hơn nữa, trong hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, địch họa luôn rình rập, uy hiếp thường xuyên, nhân dân lao động Nghệ Tĩnh đã sớm biết đùm bọc, thương yêu, hợp quần cố kết với nhau. Cũng chính những nhân tố đó đã góp phần hun đúc nên con người xứ Nghệ với những đức tính nổi bật như: cần cù lao động, chịu thương chịu khó, cương trực, khảng khái, cần kiệm, giản dị, hiếu học, giàu lòng nhân hậu, đoàn kết, giàu nghị lực, ý chí, dám xả thân, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Bên cạnh đó, con người ở đây còn có tinh thần lạc quan, ham học hỏi để khắc phục thiên nhiên, cải tạo cuộc sống. Mang đậm dấu ấn văn hoá của núi Hồng, sông Lam, nơi đây có một nền văn hóa dân gian phong phú với những làn điệu dân ca, câu hò ví, dặm… đã tạo nên những nét độc đáo, riêng biệt không thể lẫn với bất cứ vùng nào. Sống trong một miền quê trù phú về văn hoá, tiếp xúc và cảm nhận được những tình cảm quê hương - từ nhỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lắng nghe những câu lẩy Kiều của ngoại, những lời ru, điệu hò, câu ví qua giọng hát của bà, của mẹ, của dì, được tiếp xúc với những tình cảm gần gũi của tình làng nghĩa xóm. Tắm gội trong dòng sông văn hóa đó, Bác Hồ với trí thông minh tuyệt vời, với nghị lực lớn lao và lòng yêu nước nảy nở rất sớm, ngay từ nhỏ đã thu vào mình những tinh hoa của xứ sở, những trăn trở khổ đau, những mơ ước khát khao và cả những quyết tâm sắt đá… của bao kiếp sống, bao nỗi niềm nơi quê hương xứ sở đã được thể hiện trong văn học dân gian, văn học thành văn và nhất là trong thực tế cuộc sống. Và như một tất yếu, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, anh Nguyễn Tất Thành mà sau này là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa hòa vào dòng văn hóa đó, vừa làm cho nó lộng lẫy, rực rỡ sáng đẹp thêm…
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương đã sớm được hun đúc trong người thanh niên Nguyễn Tất Thành những đức tính tốt đẹp, riêng có của con người Nghệ An. Người đã rời Tổ quốc ra đi mang trong mình một hoài bão, lý tưởng cao cả trong tư thế của một người lao động với hai bàn tay trắng. Người đã làm lụng mọi nghề để kiếm sống, mưu sinh và trải nghiệm bất kể sang trọng hay bình thường. Thời gian sống ở Thủ đô Pa-ri, Bác chỉ thuê phòng trọ nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền, mỗi sáng nấu cơm trong một cái nồi nhỏ đặt trên ngọn đèn dầu. Cơm ăn với một con cá mắm hoặc một ít thịt, ăn một nửa còn một nửa dành đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng pho-mai là đủ ăn cả ngày. Mùa đông lạnh, buổi sáng trước khi đi làm, Bác để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn, chiều về lấy ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét… Mọi thiếu thốn về vật chất, tinh thần, ốm đau, tù đày, dụ dỗ lôi kéo của kẻ thù… đã không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Những đức tính can trường, cần cù, chịu khó của con người xứ Nghệ, cộng với tình yêu quê hương đất nước cháy bỏng, ý chí quyết tâm sắt đá thực hiện cho bằng được lý tưởng cao cả của mình là tìm đường cứu nước cứu dân… đã giúp Người vượt qua tất cả.
Nhân loại ca ngợi Người với rất nhiều phẩm chất cao đẹp và sức hấp dẫn của Người còn biểu hiện đặc biệt ở vẻ đẹp trí tuệ, ở vốn tri thức uyên bác, đó là nhờ tinh thần ham học hỏi của Người. Vốn tri thức đó đã được Người tích lũy bằng nhiều hình thức: lý luận, thực tiễn, ở nhiều môi trường: trường học, trường đời, trong nước và nước ngoài. Đức tính ham học của Người được thể hiện rõ nét ngay khi còn ở quê nhà. Được đào tạo trong gia đình Nho học và cái nôi có truyền thống ham học của quê hương, lúc này Người đã có vốn Hán học và kiến thức về triết học và văn hóa phương Đông khá sâu sắc. Điều này được thể hiện ở việc từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác không học thêm về Nho học và chữ Hán, cũng không có nhiều điều kiện để nghiên cứu về các tác phẩm cổ truyền của Việt Nam. Thế nhưng, tới ngày trở về nước lãnh đạo cách mạng, dù phải sống trong hang sâu biên giới hay rừng rậm chiến khu - không thể có một thư viện quốc gia hay một lưu trữ văn hóa nào bên cạnh mình, mà chỉ bằng trí nhớ về những điều đã nhập tâm từ buổi thiếu niên được học ở nhà, Người vẫn cứ vận dụng hết sức phong phú và chuẩn xác biết bao văn lý của đạo Khổng và các tác phẩm cổ truyền trong nền văn hóa dân tộc. Từ phương Đông sang phương Tây, từ hệ thống kiến thức truyền thống sang những kiến thức hiện đại của phương Tây dường như lại phải làm lại từ đầu. Chương trình hàng ngày của Người là “làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều thì đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị”. Ngoài vốn hiểu biết sách vở, Người còn tham gia các tổ chức khoa học, nghệ thuật, du lịch để mở mang kiến thức. Chính nhờ tinh thần ham học hỏi, tinh thần tự học, nhờ sự tích lũy kiến thức nhanh và có hệ thống mà chỉ trong khoảng mươi năm, khi chưa kịp biết đến câu “học nữa, học mãi” của Lê Nin, Người đã học “thông thạo nhiều ngôn ngữ của các nước “Âu – Mỹ”, trở thành một nhà báo có kinh nghiệm, nhà chính luận sắc sảo có thể viết được bằng tiếng Pháp đến mức điêu luyện. Sau này, trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, khi tuổi cao, sức khỏe giảm, Bác Hồ vẫn không ngừng tự học tập, đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo trong nước và nước ngoài. Bác luôn khuyên cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để có trình độ hiểu biết mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng công tác. Người từng nói: “Muốn biết thì phải thi đua học, học không bao giờ cùng, học mãi để tiến bộ mãi”.
Có thể nói rằng, tinh thần ham học -  một trong những truyền thống tốt đẹp của quê hương, được thể hiện một cách rõ nét qua cuộc đời khổ học của người cha - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã đi theo Bác trong suốt hành trình trở thành một người trí thức lớn. Người đại trí thức ấy, là sự kết tinh tinh hoa của truyền thống quê hương xứ sở, của dân tộc, kết hợp tri thức của hai nền văn minh phương Đông và phương Tây, của  truyền thống và hiện đại.
Bên cạnh đó, xứ Nghệ với những truyền thống văn hóa dân gian phong phú, và Người may mắn được nuôi dưỡng từ nhỏ trong cái nôi văn hóa truyền thống của quê hương. Người được lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà ngoại, của mẹ, của dì – những người nổi tiếng với vốn văn hóa dân gian sâu sắc, thuộc nhiều thơ ca hò vè, dì của Bác còn là “cây” hát phường vải nổi tiếng trong vùng. Từ bé, Người đã được đi nghe các buổi hát phường vải, những câu ví lời ru của mẹ, của bà… nó đã thấm đẫm trong tâm hồn Bác và đi theo Bác suốt cả cuộc đời. Thời gian hoạt động ở nước ngoài Người vẫn luôn nhớ về quê hương xứ sở. Có lần ở Thái Lan đêm khuya, nghe tiếng một người mẹ ru con Người đã bồi hồi xúc động nhớ đến những ngày thơ ấu, lớn lên trong tiếng hát vỗ về thân thương của mẹ. Năm 1969, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Bác, các diễn viên ưu tú đoàn Văn công Quân khu 4 từ thành phố Vinh ra Thủ đô mừng thọ Bác Hồ. Người đã hỏi diễn viên Mai Tư “rứa cháu có biết hát phường vải không?” và đề nghị cô hát mấy câu “mà bà con ta xưa hay hát”. Và khi diễn viên Mai Tư lúng túng không nhớ lời thì đã được Người lập tức nhắc hai câu cuối trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Người đã nhớ sâu và nhớ rất chính xác các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Sau này đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác cũng từng kể lại: “một hôm Bác nhớ tới một cái gì đó trong kỷ niệm liền hỏi ông Vũ Kỳ: “Ở đây có ai biết hát ví, dặm, hò Huế không? Chú cho tôi nghe được không?” Những làn điệu dân ca quê nhà, tắm mát tuổi thơ và thấm sâu trong tâm hồn Bác, đã trở thành nỗi nhớ thương da diết trong những năm tháng cuối đời của Người.
Bác của chúng ta cũng là một người rất yêu thích văn chương. Người hay lẩy Kiều và lẩy Kiều một cách sáng tạo và linh hoạt, đem đến cho Người nghe cảm giác mới mẻ và thi vị. Những buổi đàm đạo, bình văn, ngâm thơ của thân phụ với bạn hữu – vốn là những sinh hoạt văn hóa tao nhã của nho sĩ ngày xưa – đã gieo vào tâm hồn người cái hứng thú yêu thích văn chương. Không phải ngẫu nhiên mà trong kháng chiến gian khổ, mặc dầu bận rộn, Người vẫn làm thơ và có những bài thơ rất hay của một tâm hồn thi nhân rộng mở trước tạo vật. Người là một chiến sĩ đồng thời là một nghệ sĩ. Thời gian hoạt động ở nước ngoài, mặc dầu nghèo túng, thì giờ có hạn, Người vẫn tham gia hoạt động văn học nghệ thuật, thích đọc các nhà văn lớn của thế giới. Với truyền thống văn học của gia đình, quê hương và dân tộc, kết hợp với ảnh hưởng tốt đẹp của văn học thế giới với một tài năng mẫn cảm, Bác đã trở thành một nhà văn lớn ngoài ý muốn của Người. Phong cách văn chương của Người vừa có tính chất cổ điển, vừa có tính chất hiện đại, vừa có cái giản dị chân chất (có khi có cái mộc mạc của văn chương Nghệ Tĩnh), vừa có cái thâm thúy của một nhà hiền triết, cái thầm thúy của chất “đồ Nghệ”.
Một trong những đức tính nổi bật trong phong cách của Người đó là lối sống giản dị, cần kiệm. Điều đó được thể hiện trong đời sống sinh hoạt của Người từ việc Người ở, ăn đến việc mặc. Đó là một đức tính Người tiếp thu được từ nếp sống cần kiệm trong gia đình, làng xóm và Người giữ mãi trong cuộc đời. Không những trong thời kì hoạt động gian khổ, thiếu thốn mà sau khi cách mạng đã thành công, bản thân Người đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn giữ nếp sống giản dị, thanh đạm. Nói cách khác, tuy ở địa vị cao sang có quyền lực nhưng người không để cho địa vị quyền lực tha hóa mình. Người vẫn giữ được phẩm chất đạo đức trong sáng của người cán bộ cách mạng. Phải chăng, lời dạy của Người cha từ thủa thiếu thời: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí Bác.
Nhưng bên cạnh những truyền thống tốt đẹp, văn hóa xứ Nghệ cũng có nhiều hạn chế do tính khép kín của làng xã, tính bảo thủ của vùng trấn địa xa thủ đô, tính hẹp hòi, manh mún của cuộc sống tiểu nông, tính gàn dở, ương bướng của những con người luôn luôn phải đối phó với những sự hiểm nghèo. Cũng như những con người ưu tú khác của xứ Nghệ, Bác Hồ đã vượt lên để trở thành con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại.
          Dù chỉ ở Nghệ An thời thơ ấu, rồi từ đó vào Huế, và đến tuổi thanh niên Bác đi tìm đường cứu nước, trong hành trình vạn dặm suốt 30 năm, qua các miền Á, Âu, Phi, Mỹ với trên 30 nước và lãnh thổ, khi trở về nước rồi lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, mãi đến hơn nửa thế kỉ Người mới có dịp về thăm quê, nhưng Bác vẫn giữ giọng nói nằng nặng mà trầm ấm của Người dân xứ Nghệ, nhưng kí ức tuổi thơ vẫn luôn in đậm trong tâm trí Bác. Là người Nghệ An nhưng Bác lại là người của cả nước, Bác đi rất nhiều nơi, thế nhưng không bao giờ quên được cốt cách xứ Nghệ. Cốt cách xứ Nghệ của Bác đã được chuẩn bị sẵn từ cái nôi văn hóa ở quê hương xứ sở,và nhất là phẩm cách của những thế hệ ông cha, những người láng giềng thân thiết, kể cả bạn bè cùng trang lứa với Bác cũng để lại cho người những kỷ niệm rất sâu đậm. Vì Bác là của toàn dân, và Bác mang hình ảnh xứ Nghệ thông qua Bác đến tất cả mọi miền đất nước. Đây là điều vô cùng tinh tế về văn hóa Hồ Chí Minh mà chúng ta phải suy ngẫm, thấm thía, học Bác và hành động, làm theo Bác.
          Vinh dự và tự hào là những người con trên quê hương Bác, người dân Nghệ An hôm nay càng thấy rõ trách nhiệm cao cả của mình trong việc hiện thực những điều mà Người hằng mỏng mỏi đối với quê hương. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa trong việc phát huy truyền thống, thế mạnh của văn hóa và con người xứ Nghệ, để góp phần xây dựng quê hương đất nước trong thời kỳ mới. Đồng thời, chú trọng bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị các di tích về Hồ Chí Minh trên quê hương Nghệ An, trong đó có Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh cũng như người dân cả nước cả nước, các thế hệ con cháu Người hôm nay và mai sau.
                                                           Phạm Oanh
 

Thông tin tham quan

Liên kết website