CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NHÀ BÁO LỚN CỦA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
21/06/2018 1:49:55 CH
Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của Đảng ta, của nhân dân và dân tộc ta, đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã viết khoảng 2.000 bài bá

       Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của Đảng ta, của  nhân dân và dân tộc ta, đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc,  phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm thể hiện sâu sắc tư tưởng cách mạng đúng đắn, sáng tạo và đạo đức cách mạng cao cả của người, là người đã khai sáng đầu tiên cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của báo chí, vai trò của những người viết báo, bởi nó không chỉ là nơi để tìm kiếm tri thức, mở mang tầm hiểu biết mà còn là công cụ để tuyên truyền vô cùng hiệu quả cho hoạt động cách mạng: “Chiến sỹ báo chí cũng là một chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, chiến sỹ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, vì báo chí là để phục vụ nhân dân, đi tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ. Không chỉ có thế, Người làm báo cần phải luôn nâng cao trình độ xã hội, đi sâu vào nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình để “phò chính trừ tà”.  Tư tưởng đó của Người đã được thể hiện ngay trong bài viết đầu tiên “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến Hội nghị Vécxai ngày 18 tháng 6 năm 1919. Cụ thể:
1- Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
2- Cải cách nền pháp lý Đông Dương, cho người Việt Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn Tòa án đặc biệt, công cụ để khủng bố những người Việt Nam lương thiện nhất.
3- Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
4- Tự do lập hội và tự do hội họp.
5- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do ra nước ngoài.
6- Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ ở khắp các tỉnh.
7- Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp.
8- Phải có đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra, ở bên cạnh Nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ”.
       Qua nội dung của Bản yêu sách có thể nhận thấy ngôn ngữ và cách viết của  Người là ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề chính, những vấn đề cơ bản, vào những yêu cầu bức thiết nhất mà cả dân tộc Việt Nam đang đòi hỏi một cách chính đáng, đó là đòi Chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Điều đặc biệt ở đây, chính là tính dũng cảm và tính thời cuộc của  Người khi viết và gửi Bản yêu sách. Tháng 6 năm 1919 khi nghe tin các nước Đồng minh chiến thắng sẽ họp tại Vécxai,  Nguyễn Ái Quốc và nhà yêu nước Phan Châu Trinh; luật sư, tiến sỹ Phan Văn Trường; Nguyễn An Ninh… đã có cuộc trao đổi về nội dung của Bản yêu sách và cuối cùng “đi tới kết luận dùng một cái tên gì tiêu biểu cho nguyện vọng chung của nhân dân, nhưng phải là một tên cá nhân thì tính chất pháp nhân của văn bản mới có giá trị. Cuối cùng anh Nguyễn quyết định tự mình đứng mũi chịu sào với cái tên chung cho tấm lòng của mọi người. Anh ký: Thay mặt cho những người yêu nước Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc”
       Giữa vòng vây của kẻ thù, ngay tại Hội nghị của các nước Đồng minh họp phân chia thuộc địa, một con người của một dân tộc đang là thuộc địa đã dũng cảm đứng lên tại một Hội nghị lớn đòi các quyền lợi cho các dân tộc thuộc địa, điều mà không phải con người nào cũng có thể dũng cảm làm được điều đó. Và bản thân  Nguyễn Ái Quốc cũng nhận thức được rằng với việc đặt bút kí vào bản yêu sách và gửi tới Hội nghị Vécxai thì tính mạng sẽ bị đe dọa. Qủa thực đúng như vậy, thực dân Pháp bắt đầu chú ý tới người có tên Nguyễn Ái Quốc. Ngay sau ngày diễn ra Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã bị gọi đến Bộ Thuộc địa Pháp và trong cuộc gặp này hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đã bị các mật thám Pháp ghi lại và lưu vào hồ sơ theo dõi đặc biệt. Pôn Ácnu (Paul Arnoux) chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Pari khi tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. Mặc dù, bản yêu sách không được các nước chấp nhận, nhưng có tác động mạnh mẽ đến cả những người Pháp và người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Người Pháp xem đây là “quả bom” làm chấn động dư luận nước Pháp, còn người Việt Nam coi đó là “tiếng sấm” của mùa xuân, tiếng sấm ấy báo hiệu một điều rằng ở xứ sở Đông Dương thuộc Pháp đang có một dân tộc Việt Nam đang khát khao vùng lên đòi độc lập, đòi tự do. Còn đối với những người viết báo, đã tìm thấy hướng đi và cách viết, ngôn ngữ viết để từ đó lấy ngòi bút là vũ khí đấu tranh, là con đường làm cách mạng.
         “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” không được các nước chấp nhận và từ đó Người hiểu ra một điều “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của mình” và đó cũng là động lực thôi thúc Người đi tìm chân lý. Chỉ một năm sau, năm 1920  Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại, đến với con đường của cách mạng tháng Mười Nga, con đường của cách mạng vô sản. Thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngay trong lúc chủ nghĩa Mác – Lênin, chân lý cách mạng của thời đại còn xa lạ với nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới, Người đã nhận thức được chân lý đó, và đã đưa cách mạng Việt Nam tiến nhanh vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, nhịp bước với trào lưu cách mạng của thời đại và Người xem lí luận của chủ nghĩa Mác – Lenin  chính là kim chỉ nam cho hoạt động lý luận cũng như hoạt động thực tiễn cách mạng của mình. Những tác phẩm của Người trong giai đoạn 1920 đến năm 1925 với những lí lẽ sắc bén và những dẫn chứng sinh động, đã phân tích sáng tỏ những luận điểm của Lê –nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và khẳng định giá trị lớn lao của những luận điểm đó đối với công cuộc giải phóng các dân tộc thuộc địa.
          Năm 1922, tại thủ đô Pari của nước Pháp,  Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản tờ báo “Người cùng khổ”. Với vai trò là người chủ bút kiêm xuất bản, nên  Nguyễn Ái Quốc là người có nhiều đóng góp cho tờ báo. Những bài mà  Người viết mang một màu sắc đặc biệt với nhiều phong cách và thể loại viết khác nhau: tin tức, xã luận, bình luận, dịch thuật, truyện ký lịch sử, tiểu phẩm chính trị, tranh châm biếm đả kích… và đều thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Việc xuất bản tờ Người cùng khổ đã khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước bị áp bức. Giữa nơi thủ đô của nước Pháp, giữa hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, Nguyễn Ái Quốc vẫn quyết tâm dành tâm huyết cho việc xuất bản, tờ Người cùng khổ đã ra được 38 số. Báo Người cùng khổ là diễn đàn thể hiện khát vọng giành độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc. Bằng ngói bút sắc bén  Người đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương: “Chủ nghĩa tư bản Pháp đã vào Đông Dương... Chúng tôi không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm... Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người... Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm cho chúng tôi đần độn bằng rượu”. Ở báo Người cùng khổ, người ta đã nhận thấy  Nguyễn Ái Quốc  không chỉ giỏi về kiến thức uyên bác, vốn sống phong phú, khả năng nắm bắt thông tin, thời sự nhanh nhạy và một lối viết sắc sảo, điêu luyện mà còn nắm rất chắc các công đoạn làm báo như: viết tin bài; biên tập; trình bày; minh họa, vẽ tranh châm biếm, viết mẫu chữ, đưa bài sang nhà in, sửa bài… cho đến việc vận chuyển báo từ nhà in về tòa soạn và phát hành báo. Đặc biệt cùng với cây bút viết,  Người còn có một vũ khí cực kỳ sắc bén là cây bút vẽ.  Nguyễn Ái Quốc là tác giả của nhiều tranh minh họa, châm biếm, với nét vẽ phóng khoáng, đơn giản nhưng cực kỳ sắc bén, hiệu quả. Chỉ cần những nét vẽ đơn giản  Người đã cho người đọc thấy được tình cảnh khốn cùng của dân tộc ta dưới ách áp bức bóc lột của bọn thực dân. Điều đáng nói ở Báo Người cùng khổ là  Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra một phương pháp làm báo, với những yêu cầu: Viết cái gì, viết cho ai, viết như thế nào, viết để làm gì? Trong mỗi bài báo của mình,  Người  thường đưa ra những sự việc cụ thể, so sánh, phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm và tổng kết thành lý luận cách mạng sâu sắc, sáng tạo. Từ quan điểm của Báo Người cùng khổ,  Người đã để lại những kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với những người làm báo, là cơ sở định hướng cho sự phát triển của báo chí nước nhà.
        Năm 1925, cũng tại thủ đô của nước Pháp, “Bản án chế độ thực dân Pháp” viết bằng tiếng Pháp vào những năm 1921-1925 và được xuất bản. Giá trị của tác phẩm nó không chỉ nằm lại ở nội dung của tác phẩm thể hiện, nó được xem là bản cáo trạng mà  Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo những tội ác của bọn thực dân Pháp ở Đông Dương, lột trần bộ mặt nạ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đưa chúng ra trước vành móng ngựa để trả lời cho những tội ác mà chúng đã gây ra. Đồng thời đứng trên lập trường của người vô sản tiên tiến bênh vực những người lao khổ bị áp bức, chỉ rõ đâu là kẻ thù của quần chúng lao động và các dân tộc bị áp bức, kêu gọi sự đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, đi theo cách mạng tháng Mười Nga đấu tranh cho độc lập, tự do. Tác phẩm còn khẳng định rằng, sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam, cũng như ở mỗi nước, phải là một bộ phận gắn liền với sự nghiệp cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Trên tình đoàn kết quốc tế vô sản, giữa những người, những dân tộc cùng chung một chiến tuyến. Bên cạnh những giá trị chính trị, lịch sử của tác phẩm, giá trị của tác phẩm chính là phong cách ngôn ngữ báo chí mang tính lí luận đầy uyên bác, tinh tế của người và lý giải nó một cách khoa học theo quan điểm Mác - Lênin, quan điểm tiên tiến nhất của thời đại. Điều đó được thể hiện ở:
        Đối với quần chúng lao khổ: trong tác phẩm  Người luôn dùng những cụm từ mang tính hình ảnh, những người thật, việc thật, những chuyện xảy ra hàng ngày “mắt thấy tai nghe” ở những hoàn cảnh cụ thể nhưng có quan hệ thân thiết đến vận mệnh của hàng chục triệu con người ở  “xứ thuộc địa”. Từ việc mô tả sinh động, cụ thể những cảnh bần cùng, cơ cực của quần chúng, ngôn ngữ  Người dùng tỏa ra một tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thương yêu dạt dào đối với quần chúng bị áp bức, người dân của các dân tộc thuộc địa và lên tiếng bênh vực những người lao khổ bị áp bức.
         Đối với kẻ thù thì ngôn ngữ, cách viết của  Người lại hoàn toàn khác, mang tính tố cáo mạnh mẽ, thông qua những tang chứng, vật chứng và bằng lý lẽ đanh thép, tác phẩm đã bóc trần bản chất bóc lột, tàn ác, dã man, phản động của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân. Đặc biệt phong cách ngôn ngữ dùng hình ảnh để nói lên bản chất của sự việc,  Nguyễn Ái Quốc dùng hình ảnh “con đỉa” để nói về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc: “Hình thù của nó là con đỉa hai vòi, một vòi hút máu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, một vòi hút máu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở các thuộc địa. Sự có mặt và sự tác oai tác quái của nó trên trái đất này là cội nguồn của mọi thảm họa, mọi nỗi đau khổ đã trút lên đầu lên cổ nhân dân các thuộc địa từ mấy thế kỷ nay”
        Hình thức biểu hiện của tác phẩm, về mọi mặt, từ cách diễn tả, cách sử dụng ngôn ngữ, cách chọn lọc những chi tiết, những hiện tượng, những hình ảnh, cách sử dụng các yếu tố của nghệ thuật châm biếm, đến cách bố cục từng chương, mục và toàn tác phẩm, đều có những nét rất độc đáo. Trong các biện pháp nghệ thuật đó, nghệ thuật châm biếm là một biện pháp được sử dụng rất tài tình, tinh tế, sắc sảo.
        Là một tác phẩm đề cập đến những vấn đề lớn của thời đại, nhưng   Người lại không phân tích dài dòng, khô khan, mà đi từ việc diễn tả những hiện tượng hàng ngày xảy ra trong những hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến những kết luận sắc, gọn, súc tích. Từ những việc riêng lẻ dưới những đầu đề khác nhau được đặt trong một kết cấu lô gích, tác phẩm hình thành một chỉnh thể, một bức tranh toàn diện.
      Có thể nói, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được viết cách đây 93 năm nhưng những giá trị về mặt lý luận và thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt đối với nền báo chí cách mạng. Cũng trong thời điểm của năm 1925, một sự kiện hết sức quan trọng đối với nền báo chí Việt Nam chính là sự ngày 21 tháng 6 năm 1925  “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ, viết bằng giấy sáp, in bằng bàn in tay” chính thức được xuất bản, đó là báo “Thanh niên” cơ quan ngôn luận của “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo ra số đầu tiên tại trụ sở báo ở số nhà 13A đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Và cũng chính ngày này trở thành “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”. Vậy, lí do nào ngày tờ báo “Thanh niên” do  Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên lại trở thành cột mốc vàng của báo chí Việt Nam?
       Vào những năm 1920,  không ít nhà yêu nước và nhà cách mạng Việt Nam sử dụng báo chí tiếng Việt hoặc tiếng Pháp xuất bản tại ba xứ Đông Dương, bao gồm những tờ do người Pháp sáng lập và những tờ do người Việt Nam được phép đứng tên với cam kết “không bàn về chính trị”, làm nơi bày tỏ tâm huyết và ước vọng của mình, và rốt cuộc tất cả đều thất bại. Một trường hợp tiêu biểu là nhà báo cách mạng Trần Huy Liệu sử dụng ấn phẩm mang cái tiêu đề khiến thực dân Pháp yên tâm, không có gì phải nghi ngại là “Pháp Việt nhất gia”. Trần Huy Liệu dùng tờ báo ấy nói lên chính kiến của mình, phê phán chính sách thực dân, và cuối cùng Trần Huy Liệu cũng “viết xong bài này thì đành liệng cây bút xuống, không nói nữa, không viết nữa, chỉ chờ người ta đến khóa tay dẫn đi mà thôi” . Trong bối cảnh chính trị và thời cuộc như vậy, việc cho ra đời một tờ tiếng Việt là đòi hỏi tất yếu của cách mạng, của toàn thể dân tộc Việt Nam, nó đáp ứng được tính thời cuộc và cũng phản ảnh tính kịp thời nắm bắt tình hình thực tế cách mạng nước ta của  Nguyễn Ái Quốc.
      Ở nước ta, vào đầu thế kỷ XX, báo chí vẫn là một hiện tượng mới. Báo chí chống thực dân theo khuynh hướng cộng sản lại càng hiếm hoi. Tờ báo chống thực dân có khuynh hướng thân cộng là “Tiếng chuông rè” của Nguyễn An Ninh, số 1 ra ngày 10-12-1923 cho đến số 62 ngày 3-5-1926 thì cũng bị chấm dứt hoạt động Báo Thanh Niên ra đời đã phá vỡ độc quyền báo chí của thực dân Pháp, mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển và 5 năm sau tính đến năm 1930 đã có 50 tờ báo cách mạng được xuất bản.
        Báo Thanh Niên được hình thành trên nền tảng của tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin nên tuân thủ các nguyên tắc báo chí của giai cấp vô sản. Đây là ngọn cờ tiên phong của báo chí cách mạng, có sức vẫy gọi, tập hợp, chuẩn bị về tổ chức và tư tưởng để đưa đến việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.Từ khi có báo Thanh niên đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Báo Thanh niên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…
      Về phong cách ngôn ngữ  Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là sự kế thừa phong cách của những của những tờ báo, những tác phẩm mà Người đã viết trước đó, ngắn gọn, rõ ràng, súc tích dễ nhớ, dễ hiểu nhưng cũng đầy tính logic, tính lý luận sắc bén. Vẫn là phong cách vừa viết vừa vẽ với một ngòi bút châm biếm sâu sắc. Tuy nhiên, ở báo Thanh niên được nâng lên một tầm lý luận trên cơ sở nguyên tắc của báo chí cách mạng vô sản. Hướng tới việc chỉ ra con đường và phương thức làm cách mạng, nhấn mạnh tính lí luận của con đường cách mạng Tháng Mười Nga, cổ vũ nhân dân đứng lên làm cách mạng. Nhấn mạnh yếu tố vừa tuyên truyền vừa hoạt động viết báo, xuất bản báo, đúng như yêu cầu của  Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người viết báo: “Báo chí là một mặt trận, cán bộ báo chí là chiến sỹ cách mạng”.
         Đó cũng là những lí do Trung ương Đảng ta đã quyết định lấy ngày 21 tháng 6 hằng năm là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam nhằm tri ân những công lao và đóng góp của  Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với báo chí Việt Nam, người đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng nước ta. Như vậy, từ bài viết đầu tiên “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” cho đến tờ báo “Thanh niên” là một quá trình vươn lên, hoàn thiện về phong cách ngôn ngữ, về cách viết báo và làm báo của Bác, từ tư duy viết báo chỉ với mục đích tuyên truyền đến việc xem báo chí là một công cụ hữu hiệu cho hoạt động cách mạng, là một mặt trận vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam. Từ cách viết báo trực quan sinh động của một người yêu nước đến khái quát thành những quan điểm lí luận khoa học trên cơ sở của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và hơn hết, chính Bác Hồ là người đầu tiên khai sáng cho nền báo chí Việt Nam.
 
     Bài viết được tham khảo và lấy dẫn chứng từ các tài liệu sau:
1.     Hồ Chí Minh tuyển tập (tập 1) NXB Sự thật – Hà Nội 1980
2.     Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đăng trên Tạp chí Tên Người đẹp nhất https://tennguoidepnhat.net/
3.     Báo Người cùng khổ đăng trên Thư viện lịch sử  https://thuvienlichsu.com/  
4.     Bài học từ “Người cùng khổ” đăng trên Báo Quân đội nhân dân  và Báo mới https://baomoi.com/bai-hoc-tu-nguoi-cung-kho
5.     Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời tờ báo cách mạng  www.lichsuvietnam.vn/home
6.     Lích sử Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đăng trên Báo Quê hương Vĩnh Lai https://quehuongvinhlai.wordpress.com                                                   
Và một số bài viết đăng trên các trang báo thông tin điện tử khác
 

                                                                             PHAN THỦY
                                             Phòng Tuyên truyền giáo dục Khu di tích Kim Liên
 

Thông tin tham quan

Liên kết website