"CHO CHỮ ĐẦU NĂM" - HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA CỦA CHI ĐOÀN KHU DI TÍCH KIM LIÊN
31/01/2020 9:29:35 SA
“Mỗi năm hoa đào nở, Lại thấy ông đồ già, Bày mực Tàu, giấy đỏ, Bên phố đông người qua”. Không biết tự bao giờ, hình ảnh “Ông đồ” áo the, khăn xếp đã đi vào tâm thức người Việt, gợi nhắc chúng ta nhớ tới một phong tục tốt đẹp được người xưa truyền lại - xin chữ đầu năm mới.

Từ xa xưa, người Việt có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ. Trong đó, thờ chữ và rước chữ đối với những chữ của vua, được viết trong sắc phong. Dân gian thì chơi chữ, xin chữ từ các ông đồ vào dịp Tết cổ truyền. Xin chữ đầu năm thể hiện truyền thống trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và mong muốn xin con chữ lấy may, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Nhưng trong một giai đoạn lịch sử, tục xin chữ - cho chữ truyền thống bị lãng quên, bởi Nho học như là một cản trở cho công cuộc Tây hóa và kinh dinh đất nước. Thực trạng đáng buồn này được nhà thơ Vũ Đình Liên mô tả:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”
Những ông đồ cho chữ, những người xin chữ vắng đi khắp nơi từ thị thành đến thôn quê, cứ tưởng tập tục này sẽ bị chôn vùi không có cơ may tái xuất hiện trong đời sống đương đại. Nhưng thời gian trôi qua, tục xin chữ đang dần quay trở lại bởi những ý nghĩa tốt đẹp của nó. Người ta dần phát hiện ra những điều đẹp đẽ trong phong tục này, ai cũng mong muốn có được nhiều con chữ hơn để lập nghiệp khi vào đời.
Ngày nay không chỉ có hình ảnh truyền thống của các ông đồ già mà các "ông đồ" trẻ cũng xuất hiện ngày càng nhiều với hình ảnh hiện đại và con chữ sáng tạo, bay bổng. Trải qua những bước thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, cho đến nay tục cho chữ đầu năm đã thể hiện sức sống mãnh liệt và vẫn là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của người dân Việt mỗi độ xuân về.
          Để bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc, đặc biệt để đưa mĩ tục này đến gần hơn với các bạn trẻ, nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Chi đoàn Khu di tích Kim Liên đã tổ chức hoạt động “Cho chữ đầu xuân” miễn phí, phục vụ cho du khách về thăm quê Bác. Những dòng chữ thư pháp uốn lượn, nét mực uyển chuyển đã chuyển tải những nội dung sâu sắc, mang theo ý nguyện, mong ước, dự định cũng như phương châm sống của mỗi người trong năm mới.  Nhìn những dòng thư pháp đẹp ai cũng trầm trồ thán phục tài năng của hai nghệ nhân thư pháp nổi tiếng xứ Nghệ Trường Sinh và Nguyễn Đình Lộc. Hoạt động này đã được đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước về thăm hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ trong một ngày Mồng 2 Tết, hàng trăm bức thư pháp đã được hàng trăm du khách đón nhận trong niềm hân hoan, háo hức. Đặc biệt hơn nữa chương trình còn kết hợp tổ chức hoạt động từ thiện, quyên góp hỗ trợ các trẻ em nghèo vượt khó trên địa bàn. Đây là một trong rất nhiều hoạt động từ thiện của chi đoàn khu di tích Kim Liên thời gian qua, thể hiện tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ Khu di tích Kim Liên đối với xã hội, góp phần đem mùa xuân ấm áp đến với những chiếc lá chưa lành. Đồng thời, thể hiện ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống, những thuần phong mĩ tục lâu đời của dân tộc, đặc biệt là giai đoạn đất nước hội nhập hiện nay.
 Tuổi trẻ Khu di tích nguyện học tập và làm theo lời dạy của Bác, luôn phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh như kì vọng lớn lao lúc sinh thời của Bác đối với thế hệ thanh niên của nước nhà./.
 
                               Phạm Thị Oanh
 Chi đoàn KDT Kim Liên.

Thông tin tham quan

Liên kết website