CÂY ĐA TRƯỜNG CHINH TẠI KHU DI TÍCH KIM LIÊN
15/05/2019 10:40:16 SA
Những ai đã từng về thăm quê hương của Bác, về thăm quê nội Làng Sen đều lưu giữ hình ảnh cây đa sừng sững cao lớn như một người khổng lồ ngay trước khu trưng bày và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây Đa có từ bao giờ? Ai là người đã trồng và ý nghĩa của nó? Chắc hẳn còn là một dấu hỏi lớn của rất nhiều người?

Những ai đã từng về thăm quê hương của Bác, về thăm quê nội Làng Sen đều lưu giữ hình ảnh cây đa sừng sững cao lớn như một người khổng lồ ngay trước khu trưng bày và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây Đa có từ bao giờ? Ai là người đã trồng và ý nghĩa của nó? Chắc hẳn còn là một dấu hỏi lớn của rất nhiều người?
          Nằm trong khuôn viên quê nội (Làng Sen – Kim Liên – Nam Đàn), khu trưng bày, nhà tưởng niệm được xây dựng từ năm 1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đây là bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị phê duyệt nội dung và giao cho đồng chí Trường Chinh lúc bấy giờ là Ủy viên bộ chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác Đảng. Sau khi hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, việc trưng bày ở đây chuyển thành trưng bày bổ sung di tích với nhiều giải pháp nghệ thuật, sáng tạo nhằm tôn vinh các tài liệu hiện vật tạo nhiều cảm xúc hấp dẫn người xem. Toàn bộ trưng bày chuyển sang chủ đề mới mẻ hơn. Bên cạnh những nội dung truyền thống quê hương, gia đình, thời niên thiếu của chủ tịch Hồ Chí Minh là tình cảm của Bác đối với quê hương và quê hương trong lòng Bác.
Năm 1976,đồng chí Trường Chinh lúc bấy giờ là Chủ tịch quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã dành thời gian để về thăm quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh – người tiền bối sinh thời dành rất nhiều tình cảm, niềm tin sâu sắc vào mình và đặc biệt còn gửi gắm ước nguyện giải phóng miền Nam cho ông. Tận mắt được nhìn thấy những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của Bác ở một làng quê bình dị, Ông đã rất xúc động không dấu nổi cảm xúc của mình. Những kỷ niệm về Bác dường như đang sống dậy trong khoảnh khắc đó. Ông đã dành thời gian sang thắp hương tại nhà tưởng niệm Bác và thăm Bảo tàng Kim Liên (Tên gọi hồi đó). Để lưu giữ tình cảm, đồng chí đã trồng cây đa lưu niệm trong khu bảo tàng. Lúc bấy giờ cây đa chỉ với đường kính 10cm. Sau này trước kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Bác, cổng bảo tàng đã được mở ngay trước cây đa, đúng như bây giờ (Ngày trước cổng mở phía đông). Không biết vô tình hay hữu ý, vị trí cây đa trở nên rất đẹp, lộng lẫy, hiên ngang và trở thành điểm nhấn của Khu bảo tàng. Trước khi vào thăm Khu trưng bày (tên gọi sau này) và thắp nén hương trước anh linh Bác, du khách có thể dừng chân trước cây đa cổ thụ sừng sững, tính đến nay đã hơn 43tuổi để lưu lại hình ảnh tổng quan cả Khu trưng bày và lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          Điều muốn nói là tại sao đồng chí trường Chinh lại chọn cây đa? phải chăng trong tiềm thức của mỗi người dân Việt, cây Đa như một biểu tượng của Làng quê truyền thống.
          Ý nghĩa đầu tiên là sự trường tồn, sức sống dẻo dai của nó. Cây cao bóng cả, dang cành xòe lá tỏa bóng mát một khoảng không gian rộng. Hàng ngày hàng trăm đoàn khách hành hương về thăm quê Bác, ai ai cũng muốn ghé lại một chút bên gốc đa này vừa nghỉ chân, thư thái trò chuyện, cảm nhận không gian thanh bình của miền quê bình dị vẫn còn đậm nét cổ xưa và lưu lại những bức hình tuyệt đẹp bên gốc đa rộng lớn này.
          Một góc độ nào đó, cây đa còn là biểu tượng đặc trưng hồn cốt của người Việt. Là điểm nhấn của khu di tích, Vào thăm Khu tưởng niệm từ xa ai cũng ngước nhìn, ngắm nghía “Cụ cây”. “Cụ” luôn đứng đó và vững vàng chứng kiến bao đổi thay của khu di tích, của quê hương Bác và của dân tộc Việt Nam. Sức sống dẻo dai của “cụ” làm cho Khu di tích Kim Liên trở nên linh thiêng, bền vững và tỏa sáng hơn.
          Với sự khắc nghiệt của thời tiết, quá trình tu bổ, cải tạo cảnh quan … cây đa đã nhiều lần tưởng chừng như không sống nổi. Nó đã bị héo lá, nghẹt rễ … nhưng với sự chăm sóc tận tình của một số chuyên gia nông nghiệp, cây đa lại vươn mình và tràn đầy nhựa sống. Phải chăng sức sống dẻo dai của nó giống như dân tộc Việt Nam, nhẫn nại oằn mình trước cuồng phong bão lớn để khi gió yên trời lặng lại vươn mình, cứng cáp và mạnh mẽ hơn.
          Mặc cho sự thay đổi của thời gian, đến với Khu di tích Kim Liên hôm nay, chúng ta vẫn được đắm mình trong không gian văn hóa của một làng quê yên bình căng tràn nhựa sống. Xung quanh ngôi làng bé nhỏ được bao bọc bởi những lũy tre xanh, thấp thoáng những mái nhà tranh mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Những thảm cỏ xanh mướt, ngắm những chùm hoa rực rỡ sắc màu, những dàn hoa xinh xắn, ngắm nhìn những chú cá vàng đùa giỡn … đưa chúng ta quay về thế giới tuổi thơ của vị cha già dân tộc. Nơi ươm mầm, nuôi dưỡng cá tính tuổi thơ và nhân cách cao thượng của Bác.
          Đã hơn 60 năm hình thành và phát triển, Khu di tích Kim Liên đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt không chỉ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương. Mà còn là một điểm đến hấp dẫn - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ, hội tụ trái tim, tình cảm của đồng bào và bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá con người Nghệ An thân thiện, mến khách, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
          Như vậy, cây đa đã trường tồn cùng với sự phát triển của Khu di tích Kim Liên. Một biểu tượng vừa hiện hữu vừa tiềm ẩn, huyền bí. Thổi hồn quê vào cuộc sống văn minh, hiện đại của quê hương đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thanh Quý
Phòng Tuyên truyền giáo dục
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website