Bức thư hiệu triệu trái tim!
12/08/2021 8:46:03 SA

           Cách mạng tháng Tám thành công, một sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đã 76 năm trôi qua nhưng mỗi chúng ta không thể nào quên bức thư Bác Hồ gửi đồng bào cả nước ngày 18/08/1945 - Bức thư hiệu triệu trái tim!
          Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Bác Hồ, lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh. Cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển mạnh mẽ nhất là sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp dẫn đến sự thất bại của quân đội Nhật. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, đồng chí  Nguyễn Ái Quốc đã viết thư kêu gọi quân và dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là một quyết định quan trọng, một quyết định thể hiện sự lựa chọn của thời khắc lịch sử vào ngày 18/8/1945 .
          Bức thư ngắn gọn, súc tích, văn phong hào hùng, lời lẽ thiết tha làm rung động hàng triệu trái tim Việt Nam yêu nước. Bác gọi "đồng bào ta", "nước ta", "dân tộc ta" một cách gần gũi, trìu mến, thân thương. Từng câu, từng chữ trong thư đã có sức mạnh to lớn, làm hội tụ, nhân lên sức mạnh của toàn dân. Chữ "đoàn kết" được Bác nhắc đến năm lần: "Đồng bào ta đoàn kết; vì có đoàn kết; chỉ có đoàn kết; cơ sở cho sự đoàn kết; hãy đoàn kết ". Như vậy chúng ta có thể thấy lúc nào Bác cũng suy nghĩ, quan tâm, chăm lo vấn đề đoàn kết. Đoàn kết làm nên sức mạnh của đồng bào ta tiến lên khởi nghĩa giành độc lập, tự do. Trải qua nghiên cứu lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Bác đã đi đến kết luận: "Lịch sử nước ta dạy cho ta bài học này, lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm chiếm". Do đó, trong thư Bác chỉ rõ: "Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập tự do. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập".Và Bác đã kêu gọi sự đoàn kết: "Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn, mạnh mẽ. Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước". Người xác định cụ thể lực lượng tham gia là toàn dân tộc "gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, gồm đủ các dân tộc Việt, Thổ, Nùng, Mường Mán". Những câu nói không chỉ khái quát được toàn bộ quan điểm, cách nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết dân tộc mà còn thể hiện rất rõ vấn đề giải phóng dân tộc trong thời điểm lịch sử quyết định này.
          Bác phân tích những điều kiện thuận lợi về khách quan và chủ quan: "Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc đã lan tràn khắp nước Việt Nam. Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) có hàng chục triệu hội viên...Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo. Vừa đây Việt Minh lại triệu tập Việt Nam Quốc dân Đại biểu Đại hội, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh  cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng". Đồng thời Người thiết tha kêu gọi, cổ vũ, động viên cả nước nhất tề đứng lên nắm bắt thời cơ bằng một thái độ kiên định và dứt khoát: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
     Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.
    Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!".
          Có thể nói, nội dung trong thư đã thể hiện rõ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán chính xác thời điểm và kịp thời kêu gọi đoàn kết toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa. Bức thư đã phác họa những nét cơ bản về đường lối khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần chỉ đạo, định hướng cho khởi nghĩa thắng lợi. Bên cạnh đó, Người cũng nhận định: "Cuộc đấu tranh của chúng ta đương còn gay go, giẳng giai. Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta phải ra sức phấn đấu". Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh có một niềm tin chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng "Tổ quốc ta nhất định mau được độc lập, dân tộc ta nhất định mau được tự do". Trong khuôn khổ chưa đầy 400 chữ, lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là văn kiện quan trọng, mang tính chỉ đạo chiến lược những ngày cuối tháng Tám năm 1945 và còn có tác dụng định hướng cho sự phát triển của cả dân tộc ta về sau. Bức thư thể hiện tầm nhìn xa, sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết và giải phóng dân tộc đồng thời chứa đựng tình cảm thiêng liêng của Người đối với nhân dân, đất nước. Lời kêu gọi của Bác trong thời điểm lịch sử tháng 8 năm 1945 với âm hưởng hào hùng, mang sức nặng ngàn cân, tiếp thêm sức mạnh tinh thần lớn lao cho đồng bào đồng chí và tổ chức lực lượng cách mạng vô cùng mạnh mẽ. Từng câu, từng chữ Bác viết như lời hiệu triệu, lời hịch vang vọng khắp non sông đã góp phần không nhỏ trong việc cùng cả nước giành độc lập tự do. "Lời Bác thiết tha, dìu dắt chúng ta sáng mãi tên Người "(Trích lời bài "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người"). Lời hiệu triệu của vị lãnh tụ kính yêu đã thôi thúc, cổ vũ hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sỹ hăng hái lên đường đánh giặc. Mỗi câu mỗi chữ nhanh chóng lan tỏa, thấm sâu vào tâm khảm, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự tôn dân tộc, truyền thống đoàn kết, yêu nước, anh hùng bất khuất chống ngoại xâm của "con cháu Rồng Tiên". Bức thư như hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh cách mạng. Đáp lại lời hiệu triệu đầy khẩn thiết, tâm huyết của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước đã đứng lên đồng loạt biểu tình, đánh chiếm các công sở địch. Chỉ trong vòng mười lăm ngày cuối tháng Tám năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền cách mạng được thành lập trong cả nước. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập và tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước.
          Cách đây đã 76 năm nhưng "Thư  kêu gọi Tổng khởi nghĩa" Bác Hồ viết vào ngày 18 tháng 8 năm 1945 vẫn là một áng hùng văn bất hủ, mãi trường tồn cùng lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Bức thư là một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự, có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin mãnh liệt về con đường cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã lựa chọn. "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa" năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Ngày nay, Đảng, nhà nước, quân đội ta vận dụng trong nhận định, đánh giá tình hình, xác định đúng đối tượng, đối tác, thời cơ của cách mạng Việt Nam, khơi dậy và phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể nói rằng, trong kho tàng di sản quý giá Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có một vấn đề chúng ta càng tìm hiểu, học tập, suy ngẫm, chiêm nghiệm càng thấy rõ hơn tầm cao trí tuệ, tư duy chiến lược, nhận định sáng suốt của Bác. Bức thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa ngày 18/08/1945 là một minh chứng tuyệt vời và sinh động.
                    Đã hơn nửa thế kỷ Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng những việc làm, tình cảm ấm áp, lời kêu gọi, hiệu triệu thiết tha của Người mãi khắc sâu "Trong mỗi trái tim, trong mỗi cuộc đời" của nhân dân Việt Nam. "Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa" Bác viết năm 1945 vẫn luôn là niềm cổ vũ, động viên tinh thần to lớn cho cán bộ, đảng viên Khu di tích Kim Liên cùng với cả dân tộc vững ý chí, niềm tin, kiên cường vượt qua đại dịch covid 19, tiến bước trên con đường xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp "sánh vai các cường quốc năm châu" để thỏa lòng Bác hằng mong ước./.
 

                                                                                              Lê Hà
   

Thông tin tham quan

Liên kết website