BỘ TƯ LỆNH BẢO VỆ LĂNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TỌA ĐÀM KHOA HỌC “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐÁ CHÔNG – K9
07/05/2022 4:44:55 CH
Ngày 6 tháng 5 năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội, (5/1957 -5/2022) Bộ Tư Lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Viện lịch sử Quân sự Tổ chức tọa đàm khoa học: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đá Chông – K9”.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đá Chông - K9"
 
Chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí: Thiếu Tướng Bùi Hải Sơn Quyền trưởng ban quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ tư lênh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá Đinh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu Tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện Trưởng Viện Lịch sử quân sự đồng chủ trì tọa đàm.
Về dự tọa đàm có các đồng chí Thủ trưởng các cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Cục Chính trị, Tổng Cục Hậu cần, Thủ trưởng các Học viện , nhà trường, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an, nguyên thủ trưởng Bộ tư lệnh  Bảo vệ Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Cục di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch; Lãnh đạo các cơ quan bảo tàng, di tích về Chủ Tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc, Các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội...

 

Đoàn đại biểu Khu di tích Kim Liên tham dự Hội thảo
 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh Tại Đá Chông ( Khu K9) là địa danh đặc biệt gắn liền với Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 5/1957 trong lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, Bác Hồ đã dừng chân nghỉ ăn chưa trên đồi cạnh Sông Đà, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau, nên đồng bào thường gọi là Đá Chông. Thấy nơi đây có địa thế thuận lợi, Người đã trao đổi với các đồng chí đi cùng nghiên cứu xây dựng thành căn cứ cho cơ quan Trung ương. Ngày 23/2/1958, Người trở lại và quyết định chọn Đá Chông để xây dựng căn cứ cho cơ quan Trung ương. Tháng 9/1959, Cục doanh trại, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ xây dựng khu căn cứ. Ngày 15/3/1960 công trình được khánh thành, mang mật danh “ Khu căn cứ K9”. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã có nhiều cuộc họp quan trọng, bản thảo về chiến lược cách mạng Việt Nam, đây cũng là nơi Người tiếp bạn bè Quốc tế thân thiết với cách mạng Việt Nam.
Ngày 2/9/1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, để gìn gữi lâu dài bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chống Mỹ và xây dựng Lăng của Người, Bộ Chính Trị, Trung ương Đảng quyết định lựa chọn K9 Là nơi chủ yếu để giữ gìn thi hài Bác. Từ đây, Khu căn cứ K9 được mang mật danh “Khu căn cứ K84”.
Năm 1975, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, ngày 18/7/1975, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định đón Bác từ K9 về ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử. Khu Đá Chông được giao lại cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí  Minh quản Lý, làm căn cứ dự phòng khi cần thiết.
Tại buổi tọa đàm với hơn 45 báo cáo, tham luận, với những nội dung phong phú, chất lượng, khoa học đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều sự kiện và nội dung quan trọng. Trong đó đã làm rõ và sâu sắc thêm tư duy chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chọn Đá Chông là nơi làm việc của Người và Bộ Chính trị. Quyết sách quan trọng có tích chất lịch sử của Đảng, nhà nước khi chọn Đá Chông là nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh và phát huy ý nghĩa chính trị, giá trị lịch sử, văn hóa Khu Đá Chông – K9 trong giai đoạn mới. Những thành quả nổi bật của các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia Liên Xô, Liên Bang Nga đạt được trong thực hiện nhiệm vụ Chính trị đặc biệt: “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Đá Chông - K9 giai đoạn 1969 -1975. Đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy hơn nữa ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử của Khu Đá Chông – K9 trong giai đoạn mới.
                                                                                            An Vinh

Thông tin tham quan

Liên kết website