BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT KHU LƯU NIỆM CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI XÃ KIM LIÊN, NAM ĐÀN, NGHỆ AN
02/08/2018 11:23:54 SA
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An là một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10/5/2012, được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Bác về thăm quê. Khu di tích có sức hút mạnh mẽ đồng bào cả nước và du khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tưởng niệm và du

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An là một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10/5/2012, được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây lưu giữ những di tích, di vật gắn liền với quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Bác về thăm quê. Khu di tích có sức hút mạnh mẽ đồng bào cả nước và du khách quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tưởng niệm và du lịch, tìm hiều mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” đã sinh ra một trong những vĩ nhân bậc nhất của nhân loại.
Bảo tồn - tôn tạo và phát huy tác dụng các di tích lịch sử - văn hóa là vấn đề quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc để phục vụ mục tiêu tồn tại và phát triển. Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức vấn đề này và nhận thức rõ những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, vào năm 1956, Đảng đã có chủ trương khôi phục lại các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người.
 Ngôi nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc được phục dựng lại vào năm 1956. Phát huy thành quả và kinh nghiệm đã có, năm 1959, ngôi nhà ở Hoàng Trù được phục dựng. Kể từ đó, Khu di tích Kim Liên đã bắt đầu mở cửa đón khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế về thăm.
Cùng với việc phục hồi di tích, ty Văn hóa Nghệ An đã xây dựng một ngôi nhà khách nhỏ bên cạnh di tích nhà cụ Phó Bảng để đón khách và làm nơi ở của lực lượng bảo vệ.
Năm 1964 trước nhu cầu tiếp đón các đoàn khách ngày càng đông, có nhiều đoàn khách quan trọng trong nước và quốc tế, Đảng và nhà nước đã có chủ trương xây dựng một ngôi nhà Bảo tàng để trưng bày về Bác, do kiến trúc sư nổi tiếng Hoàng Như Tiếp thiết kế, biết được điều đó Bác không đồng ý và yêu cầu chuyển chức năng ngôi nhà đó sang làm nhà khách.
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh để tuyên truyền giáo dục cho toàn dân về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Trong bối cảnh chiến tranh, trên cơ sở các di tích lưu niệm đã có, Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng Bảo tàng Kim Liên- một Bảo tàng về Hồ Chí Minh đầu tiên trong cả nước, do đồng chí Trường Chinh chỉ đạo và Bộ chính trị phê duyệt nội dung trưng bày. Bảo tàng Kim Liên trở thành nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu.

  1. Đặc điểm của công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ở Khu Di tích Kim Liên
Khu Di tích Kim Liên là loại hình di tích lưu niệm về danh nhân. Trong quần thể khu di tích Kim Liên hiện đang quản lý, bảo quản và phát huy tác dụng là: Cụm Di tích Hoàng Trù, nơi Bác Hồ cất tiếng chào đời và sống 5 năm tuổi ấu thơ (1890 – 1895), nơi được đón Bác Hồ về thăm ngày 9/12/1961 và ba hộ láng giềng xung quanh nhà Ông Bà Ngoại Bác Hồ nơi đây phản ánh lại không gian văn hóa Hoàng Trù của thế kỷ XIX gắn với tuổi thơ và gia đình người thân của Bác; Cụm di tích Làng Sen gồm: Di tích Ngôi nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen nơi Bác Hồ sống 5 năm thời niên thiếu (1901- 1906), nơi được đón Bác Hồ về thăm 2 lần đó là ngày 16/6/1957 và ngày 9/12/1961; Di tích nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm – Ông nội của Bác Hồ; Di tích nhà thờ đại tôn Họ Nguyễn Sinh; Di tích nhà cụ Vương Thúc Quý – Thầy dạy học của Bác ở Làng Sen; Di tích Giếng Cốc – nơi Bác Hồ thường ra lấy nước khi ở Làng Sen; Di tích Lò rèn Cố Điền – nơi Bác thường sang chơi khi còn ở làng Sen; di tích Cây đa Sân vận động làng Sen nơi Bác nói chuyện với nhân dân trong hai lần về thăm quê và ba hộ láng giềng xung quanh nhà Ông Nguyễn Sinh Sắc nơi đây phản ánh lại không gian văn hóa Làng Sen của thế kỷ XIX gắn với tuổi thơ và gia đình của Bác; Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di tích Núi Chung – nơi Bác thường lên chơi thời niên thiếu; Đền thờ Tướng quân Nguyễn Đắc Đài (Đền Thánh cả) nơi đây khi còn niên thiếu Bác đã cùng cha thường qua thắp hương tưởng nhớ, tri ân Tướng quân.
Tổng số hiện vật trưng bày trong các nhà di tích và nhà trưng bày bổ sung  tại Khu Di tích là 290  hiện vật với gần 100 đơn vị hiện vật gốc và hiện vật đồng thời đồng loại. Hiện nay tại kho hiện vật Khu Di tích đang lưu giữ trưng bày 42 đầu loại hiện vật với gần 4000 đơn vị hiện vật, toàn bộ các di tích bất động sản và tài liệu hiện vật trên đã được quản lý và đăng ký vào sổ kiểm kê có đánh số kiểm kê, có bản ghi chép hiện vật. Khu Di tích hết sức coi trọng công tác kiểm kê, xây dựng hồ sơ khoa học cho các di tích, tài liệu, hiện vật của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác, đã xây dựng hồ sơ khoa học cho hầu hết các nhà di tích và tài liệu, hiện vật ở các nhà di tích. Trong những năm gần đây, cơ quan đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị kỹ thuật số cùng với việc điều chỉnh, phân công công việc theo năng lực cán bộ nên chất lượng công tác sưu tầm, kiểm kê được nâng lên rõ rệt và đã đạt nhiều thành tích đáng kể. Bên cạnh đó đã có hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước, của các địa phương, của các cơ quan, đơn vị tặng cho Khu di tích Kim Liên, cùng với hàng trăm trang tư liệu được sưu tầm góp phần làm phong phú thêm các tài liệu hiện vật về Bác Hồ trong những năm Người sống  tại quê hương và hai lần Người về thăm quê.
        Về môi trường cảnh quan di tích, vườn cây với nhiều loại cây khác nhau  trong di tích và trong khuôn viên khu Trưng bày, nhà Tưởng niệm, đường đi dạo của khách như: cây ăn quả, cây bóng mát, cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ… đã làm cho Khu di tích thêm gần gũi thân thiện hơn với thiên nhiên.
        Sự đa dạng về thành phần và phong phú về thể loại hiện vật, về chất liệu cấu thành hiện vật và tính phức tạp của vị trí trưng bày, bảo quản, khiến công tác bảo tồn di tích hết sức khó khăn và phức tạp. Những hiện vật gốc đó là những chứng tích đầu tiên của các sự kiện, hiện tượng lịch sử, những sinh hoạt, những hoạt động của Bác Hồ và những người thân  trong thời gian Bác và những người thân trong gia đình sống  và sinh hoạt tại quê nhà,  chúng là cơ sở của hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích.
        Môi trường ngoại cảnh gây tác động không nhỏ cho công tác bảo tồn ở Khu Di tích. Khu Di tích có khuôn viên rộng, các điểm di tích nằm rải rác không tập trung, kết cấu tạo thành di tích là những vật liệu thô sơ, kém bền vững lại nằm trong những khu vườn kín có nhiều cây cối, là điều kiện hết sức thuận lợi cho côn trùng mối, mọt, sâu bệnh  hoạt động mạnh, xâm hại trực tiếp đến tài liệu, hiện vật di tích. Khu Di tích có tính đặc thù riêng khác với các di tích khác là công tác bảo tồn ở đây được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn vừa làm công tác phát huy tác dụng phục vụ khách thăm quan. Công tác bảo quản không chỉ thực hiện đối với tài liệu, hiện vật trong các ngôi nhà, mà còn cả với bản thân các ngôi nhà đó cùng môi trường cảnh quan di tích. Lượng khách vào thăm Khu Di tích càng ngày càng đông, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cấp cao. Do vậy, công tác bảo tồn ở Khu Di tích không thể tiến hành theo đúng quy trình như một kho bảo quản thông thường. Các tài liệu hiện vật ở đây luôn luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người, trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác bảo tồn di tích còn hạn chế. Đó là những khó khăn, phức tạp mà Khu Di tích luôn phải quan tâm giải quyết.
        2. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích Kim Liên
        Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức bảo vệ, bảo quản và gìn giữ di sản lịch sử, văn hoá quý giá này, trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành sự cộng tác giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các cơ quan hữu quan, Khu Di tích Kim Liên đã nỗ lực cố gắng bảo vệ, bảo quản, giữ gìn tốt các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích, góp phần phục vụ đông đảo công chúng đến thăm quan nghiên cứu và học tập về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh  và hai lần Người về thăm quê.
        Công tác bảo vệ, bảo quản là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, quyết định sự trường tồn của mỗi di tích nói chung và của Khu Di tích nói riêng, là công tác được tiến hành đầu tiên sau khi di tích được tôn tạo, phục dựng. Khu Di tích là di tích còn tương đối nguyên gốc bao gồm các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan di tích. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ, bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên trạng di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường di tích hết sức lớn và nặng nề. Để làm tốt công tác này, Khu Di tích đã chú trọng và không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng duy trì tốt công tác bảo quản thông thường, kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỷ thuật và công nghệ vào công tác bảo quản di tích đồng thời thực hiện tốt các chế độ bảo quản định kỳ (ngắn hạn, dài hạn) và tu bổ chống xuống cấp di tích. Trong những năm qua, Khu Di tích đã thực hiện công tác tu bổ được nhiều hạng mục công trình như: Lợp tranh các di tích theo định kỳ; Tu bổ sân, nền, đường di tích; xử lý hệ thống thoát nước; cải tạo nâng cấp lưới điện bảo vệ; lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; tu bổ tôn tạo nâng cấp vườn cây trong di tích và trong khuôn viên Bảo tàng, nhà tưởng niệm.  Có thể khẳng định, nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VHTT, Khu Di tích đã bảo vệ, bảo quản giữ gìn tốt các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường di tích. Và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, luôn phục vụ tận tình chu đáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân trong cả nước, kiều bào nước ngoài, bạn bè, khách quốc tế đến tham quan, học tập.
        Công tác nghiên cứu khoa học là khâu quan trọng góp phần to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích. Trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Khu Di tích đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học, nghiên cứu đề tài khoa học, toạ đàm khoa học, xuất bản sách, ảnh… phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu và học tập tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với việc biên tập, phối hợp xuất bản các ấn phẩm văn hóa, trang Website của Khu Di tích cũng đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy tác dụng tốt.
        Để góp phần tuyên truyền ngày càng đầy đủ với nhân dân trong nước và khách quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đặc biệt là  giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống văn hoá của quê hương, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích đã thường xuyên nghiên cứu, chỉnh lý nội dung trưng bày, trưng bày bổ sung, nâng cao chất lượng trưng bày.
        Để phát huy giá trị đặc biệt tại Khu Di tích, một công tác hết sức quan trọng là công tác tuyên truyền giáo dục, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền - giáo dục được Khu Di tích quan tâm đặc biệt và có những bước phát triển mới. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc về ý nghĩa và ưu thế đặc biệt của Khu Di tích trong việc tuyên truyền về truyền thống Quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, trong hệ thống các di tích lưu niệm về Bác Hồ, Khu Di tích Kim Liên là một trong những di tích đặc biệt có sức thu hút lượng khách đông  vì giá trị văn hoá và nội dung lịch sử của di tích.
Kể từ khi thành lập đến nay  Khu Di tích đã đón tiếp và phục vụ tận tình, chu đáo hơn 36 triệu lượt khách, trong đó có 63.033 lượt khách Quốc tế đến  từ hơn 63 quốc gia trên thế giới đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Nhất là từ khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Khu Di tích đã trở thành điểm đến cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng để nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan, công tác tuyên truyền - giáo dục tại Khu Di tích luôn được đổi mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh đến việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền.
        Công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, khoa học nghiệp vụ được Khu Di tích chú trọng và đặc biệt quan tâm cả về số lượng và chất lượng cán bộ.  Hiện nay, Khu Di tích đã có 73 cán bộ, có 4 cán bộ có trình độ trên đại học và 44 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng; 25 cán bộ có trình độ trung cấp và chứng chỉ nghề;  có 05 phòng, ban chức năng, một Đảng bộ, một tổ chức Công đoàn, Chi Đoàn thanh niên và một tiểu đội tự vệ. Có 3 đồng chí đã hoàn thiện lý luận chính trị cao cấp; 12 đồng chí hoàn thiện trung cấp chính trị và 15 đồng chí được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước.           
        Từ thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích Kim Liên và nhận thức, kinh nghiệm công tác của mình, chúng tôi nhận thấy: Muốn bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích được thực hiện tốt, nhất thiết chúng ta phải có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của Khu Di tích về Bác Hồ có giá trị đặc biệt này, trên cơ sở đó có kế hoạch và biện pháp giải quyết tốt các vấn đề sau đây:
        - Một là, Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích phải đư­ợc xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, nhằm góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Luôn luôn quan tâm chăm lo đào tạo bồi d­ưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích cả về đạo đức, trình độ và năng lực công tác ngang tầm với nhiệm vụ đ­ược giao.
        - Hai là, Thư­ờng xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với các di tích, tài liệu hiện vật và môi tr­ường cảnh quan di tích để tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển theo hướng bảo tồn tốt nhất các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích, nghiên cứu chỉnh lý trưng bày và trưng bày bổ sung nội thất một số di tích nhằm tạo hiệu quả giáo dục cao hơn cho người xem.
        - Ba là, Đầu t­ư hợp lý, đúng h­ướng trang thiết bị, phư­ơng tiện phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích, ­ưu tiên việc ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị. Tích cực động viên, vận động sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn có liên quan để bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích. Chú trọng mở rộng giao l­ưu, hợp tác, trao đổi và thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị  Khu Di tích.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu di tích Kim Liên là việc làm thường xuyên, lâu dài nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm, nghiên cứu, tìm hiểu của đồng bào cả nước và du khách quốc tế, đồng thời gắn với phát triển du lịch góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, là địa chỉ đỏ, điểm du lịch lý tưởng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan./.
Nguyễn Bảo Tuấn
                                            Giám đốc - Khu Di tích Kim Liên

Thông tin tham quan

Liên kết website