BÁC VỀ ẤM ÁP CẢ MÙA XUÂN
13/01/2020 9:51:02 SA
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại rất nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Một trong những dấu ấn đặc biệt không thể nào quên đó là mùa xuân năm 1941. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam đem đến những mùa xuân ấm áp. Nhà thơ Tố Hữu đã diễn tả hình ảnh xúc động ấy bằng những vần thơ dạt dào cảm xúc:

        Ôi sáng xuân nay xuân 41
                  Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
                  Bác về ... Im lặng. Con chim hót
                  Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ
                             (Trường ca Theo chân Bác)
 
          Cách đây 109 năm, ngày 05/06/1911, con tàu Latusơ trêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mác xây mang theo người thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước thương dân ôm ấp một hoài bão lớn lao: tìm hiểu nền văn minh thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp đồng bào. Suốt 30 năm đằng đẵng, mong muốn của Bác là sớm được về với xứ sở quê hương. Đó cũng là cảm xúc của Người khi trả lời nhà văn Nga Eren bua (năm 1935). Sau ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930), Bác tìm cách trở về nhưng chưa lần nào thành công vì "bọn mật thám và cảnh sát biên giới quá cẩn mật" (Thư gửi Quốc tế Cộng sản). Lúc thời cơ cách mạng đến, sáng ngày 28/01/1941 (mồng 2 tết Tân Tỵ) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp, Thế An. Người đứng lặng hồi lâu, bồi hồi xúc động, đặt bước chân đầu tiên lên cột mốc 108 biên giới Việt - Trung. Trong khí trời trong lành, yên ả của buổi sáng mùa xuân, trong hương thơm lan tỏa của hoa rừng Pác Bó, Bác về cả đất trời bừng sáng, reo vui. Tố Hữu đã phải thốt lên "Ôi" ngay đầu câu thơ. Bằng điệp từ "xuân", không gian, thời gian như ngưng lại để kịp ghi trọn vẹn thời khắc lịch sử quan trọng ấy. Sử dụng từ láy "thánh thót", "ngẩn ngơ", tác giả muốn nhấn mạnh cảm xúc dâng trào của thiên nhiên, con người trong giây phút thiêng liêng chào đón Bác. Bác về thỏa lòng thương nhớ khôn nguôi của lòng đất, lòng người. Đối với Bác đó cũng là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm cách mạng. Sau này Người kể lại: "Bao năm thương nhớ đợi chờ. Hôm nay bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động". Bác xúc động, xao xuyến trước cảnh sắc quê hương. Bác về đúng vào mùa xuân, mùa của cỏ cây hoa lá, vào đúng dịp tết cổ truyền dân tộc, lòng Bác chứa chan niềm hạnh phúc. Giữa đất trời hùng vĩ, cảnh vật nên thơ, Bác xuất hiện bình dị, gần gũi, hiền từ như ông bụt, ông tiên, không nhỏ bé mà lớn lao, cao cả. Nhà thơ Tố Hữu thật tài tình, bằng nghệ thuật ngôn từ đã vẽ được bức hình của Bác. Chính vì thế, các nhà phê bình văn học đã thống nhất nói về giá trị các bài thơ của Tố Hữu viết về Bác: "Tố Hữu là nhà thơ viết được đầy đủ nhất về Bác, khắc họa Bác đúng nhất làm cho người đọc hình dung được Bác rõ nhất". Bác mặc bộ quần áo màu nâu của người Nùng (Cao Bằng), một chiếc valy mây cũ kỹ đựng quần áo và một chiếc máy chữ xách tay, nơi ở là cái hang nhỏ hẹp ẩm thấp. Chỉ vậy thôi mà "Hồ Chí Minh đã nghĩ ra được cả một kế hoạch lâu dài để dành lại đất nước" (Jonh Kennedy - con trai cố tổng thống Mỹ Kennedy). Điều đó làm chúng ta càng thêm nể phục, yêu quý, kính trọng Người.
          Sáng xuân 41 đã kết thúc hành trình vạn dặm của Người - Ba mươi năm đầy khó khăn, gian khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm để tìm lại "hình" đất nước, lấy lại tên Tổ quốc. Thi sĩ Tố Hữu đã "Theo chân Bác" đi tới mùa xuân năm 1941. Bác trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng đem lại những mùa xuân tươi sáng, bình an cho dân tộc. Đúng như giáo sư Phong Lê nói: "Bác về như một ánh lửa, một ngọn lửa sưởi ấm không gian đất nước, làm bùng lên thành một rừng lửa thiêu cháy toàn bộ cơ đồ chủ nghĩa thực dân đặt lên đầu lên cổ 25 triệu dân ta sau ngót 80 năm nô lệ". Bác chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cho cách mạng nước ta. Nhân dân Cao Bằng và nhân dân cả nước tự hào về mảnh đất địa đầu Tổ quốc, nơi Bác về mùa xuân năm 1941. Đó là nơi bắt đầu mạch nguồn cách mạng, là một sự lựa chọn vô cùng sáng suốt của thiên tài Hồ Chí Minh. Chính vì thế, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến Pác Bó với một ý nghĩa đặc biệt: "Không có Pác Bó thì không có ngày độc lập 02/9/1945, không có Pác Bó thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Không có Pác Bó thì không có ngày 30/04/1975. Pác Bó không chỉ là của riêng Cao Bằng. Pác Bó là của cả nước Việt Nam". Bằng ngòi bút của mình, nhà thơ cách mạng Nguyễn Kim Thành đã khắc đậm dấu mốc thời gian lịch sử với sự kiện lịch sử đặc biệt đó là mùa xuân cả dân tộc mừng vui khôn xiết chào đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dòng thơ bị ngắt từng nhịp bởi dấu chấm câu, dấu chấm lửng, dấu phẩy diễn tả cảm xúc nức nở, nghẹn ngào trong giây phút Bác về. "Bác về ... Im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ". Thiên nhiên nói hộ lòng người hay chính cảnh sắc cũng trở nên rộn ràng, tươi mới, tràn đầy sức sống khi nhìn thấy Bác. Bác về cả dân tộc như được "hồi sinh". Bác về lúc đất trời vào xuân và mang cả "Mùa xuân" về cho nhân dân, cho đất nước. Đó là mùa xuân ấm áp, yêu thương, không còn những "đêm đông lạnh cóng", "đêm trường nô lệ", sẽ không còn cảnh kéo cày thay trâu, bị chửi mắng,  đánh đập, xử bắn. Thiên nhiên nên thơ, cảnh vật trữ tình rạo rực niềm vui. Có thể nói, lần đầu tiên trong thơ ca, Tố Hữu đã tìm được một từ rất đắt để gọi Người là "Bác", kéo cụ Hồ Chí Minh về với mỗi gia đình, là ruột thịt như người bác, người cha vậy. Ba mươi năm "chân không nghỉ", Bác đã trải qua biết bao cực nhọc, vừa làm thuê kiếm sống, vừa tự học, tự nghiên cứu, vừa hoạt động và khảo sát tình hình xã hội các nước. Thương nhớ, đợi chờ, rồi được vỡ òa niềm hạnh phúc "Bác đã về đây Tổ quốc ơi". Bác "hôn lên hòn đất", đôi mắt rưng rưng. Người xúc động khi được trở về lòng đất Mẹ. Đối với dân tộc Việt Nam, xuân 41 thực sự là một mùa xuân kỳ diệu, mùa xuân khắc cốt ghi tâm. Một mùa xuân mở ra thời kỳ phát triển mới của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Mùa xuân ấy không chỉ thể hiện sự giao thời, kết thúc năm cũ bước sang năm mới, mà mùa xuân còn gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc: Bác về trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta dành nhiều thắng lợi.
          Lịch sử đã bước sang trang mới, đất nước được độc lập tự do, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ. Đón một mùa xuân mới, lòng người không khỏi bồi hồi xúc động đọc lại những câu thơ xuân của Tố Hữu với những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên. Đúng như kết thúc bản trường ca Theo chân Bác, tác giả viết:
                     Tết đến, giao thừa đó
                     Vẫn đón nghe lời Bác mọi lần
                     Ríu rít đàn em vui pháo nổ
                     Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân
Xuân Canh Tý đã về, nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày đón Bác về nước (28/01/1941- 28/01/2020) chúng ta nhắc nhớ những cảm xúc, những kỷ niệm và tri ân sâu sắc công lao của Bác. Giữa thời khắc thiêng liêng của tết cổ truyền dân tộc, mỗi chúng ta nguyện cố gắng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" để "làm cho đất nước càng ngày càng xuân" như mong muốn sinh thời của Bác.
          Tuy đã 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng trong lòng chúng ta luôn có Bác, mãi khắc sâu hình ảnh thiêng liêng: Bác về ấm áp cả mùa xuân. Và Người cũng chính là mùa xuân ấm áp nhất, trường tồn tươi đẹp nhất của trái tim dân tộc Việt Nam./.
                                               
                                                                                   Lê Hà
                                                                  Phòng tuyên truyên giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website