BÁC VÀ CỤ HUỲNH HAI TẤM GƯƠNG VỀ LÒNG YÊU NƯỚC NHIỆT THÀNH!
18/04/2022 9:34:17 SA
“Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (thuở nhỏ có tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu là Mính Viên) sinh ngày 01.10.1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình thuần nông. 8 tuổi, ông theo học chữ Nho. Đến năm 13 tuổi đã văn hay chữ tốt. Năm Canh Tý (1900), ông dự thi Hương và đậu Giải nguyên. Ông nổi tiếng ở kinh đô Huế, sánh cùng Trần Quý Cáp, Phạm Liệu. Năm Giáp Thìn (1904), ông đỗ Tiến sĩ. Ông cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Qúy Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, ông bị bắt trong năm Mậu Thân (1908), rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do. Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille, ông từ chức. Năm 1927, ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế cho đến khi tờ báo này bị đình bản (1943). Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần mời ông ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm đó, Cụ Huỳnh đã ở tuổi 70, sức khỏe yếu, vì sự kính nể và trước nhiệt tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ, trở thành người bạn, người cộng sự tri kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùngnhau gánh vác nhiều trọng trách quan trọng khi đất nước đang đối mặt với thù trong giặc ngoài.
Với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), rồi làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp (Sắc lệnh số 82 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 29.05.1946 ủy nhiệm cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian Người đi vắng).
Sáng ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Tại sân bay Gia Lâm hôm ấy rất đông  người ra tiễn Bác. Sau khi đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh dặn dò ngắn gọn, đầy sự tin tưởng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến''” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi, dễ hiểu hơn là lúc nào cũng không rung động tâm để đối phó với các sự biến chuyển). Ở đây, không phải tự nhiên mà Bác đặt trọn niềm tin vào cụ Huỳnh, ngoài cuộc đời và những cống hiến của Cụ, còn là sự tương đồng về lý tưởng cách mạng của Bác và Cụ Huỳnh. Họ đều là những người có lòng yêu nước nhiệt thành, khát vọng độc lập tự do đến cháy bỏng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã từng thổ lộ rất nhiều năm “ôm ấp độc lập, tự do”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt đúng chỗ. Suốt thời gian Người đi Pháp, từ ngày 31-5-1946 đến 20-10-1946, ở trong nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã luôn giữ vững phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong giải quyết các công việc quốc nội, giữ yên được thế phát triển của cách mạng trong lúc hiểm nghèo, góp phần ngăn chặn và đập tan âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động. 
Từ khi Cụ Huỳnh ra Hà Nội, Cụ Huỳnh không chỉ là người cộng sự lý tưởng của Bác mà còn là người bạn thân thiết, tri kỷ. Biết Cụ Huỳnh tuổi cao, sức khỏe cũng không được tốt lắm. Bác luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe của Cụ. Nhân dân gửi quà biếu Bác, Bác thường chia sẻ với Cụ. Hôm chị Thanh – chị gái Bác đưa món quà quê là tương Nam Đàn, Bác đã mời Cụ sang dùng cơm, cùng thưởng thức hương vị quê hương. Trong cuộc sống đời thường cụ Huỳnh và Bác đôi lúc cũng hóm hỉnh với nhau. Vào năm 1946, khi gặp Bác, cụ Huỳnh ứng tác hai câu thơ để "nhắc khéo" Bác:
 "Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già
Cụ ông thì thấy, cụ bà thì không?"
Lúc đó, Bác Hồ chỉ cười và không nói gì. Đợi đến lúc trong chuyến sang Pháp năm ấy trong các điện văn gửi về Việt Nam, Bác có bài thơ riêng gửi cụ Huỳnh ngụ ý trả lời đầy tế nhị:  
"Nghĩ chẳng ra thơ để trả lời
Nhớ cụ Huỳnh lắm, cụ Huỳnh ơi!
Non sông một mối chung nhau gánh
Độc lập xong rồi cưới vợ thôi!".
Tình cảm của Bác dành cho Cụ Huỳnh rất thấu hiểu, sâu đậm và đầy lòng kính trọng.
Bước sang tuổi 71, sức khỏe Cụ yếu dần, tháng 4-1947, cụ Huỳnh bị ốm nặng. Từ Quảng Ngãi, trên giường bệnh, ngày 14-4-1947, cụ Huỳnh đã đọc cho người thư ký riêng của mình ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch:
 “Kính gửi Hồ Chủ tịch
Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả.
          Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc.
Chào vĩnh quyết''.
Ngày 21 tháng 4 năm 1947, ông mất tại gia đình chị Võ Thị Tuyết, thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – "Thiên Ấn niên hà" (Ấn trời đóng xuống sông).
          Không gặp nhau ở những giờ phút cuối cùng, những mỗi dòng thư của Cụ đều chứa đựng những tình cảm rất cao đẹp dành cho Bác. Nén nỗi đau vào lòng, Bác muốn đồng bào biến đau thương thành hành động, hoàn thành sự nghiệp mà cụ đã đeo đuổi suốt đời.
“Hỡi đồng bào yêu quý,
Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc cụ bằng cách: càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: theo gương dũng cảm, noi chí quật cường của cụ; bằng cách: hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng:
Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ.
Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ.
Tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi.
Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm!
Ngày 29 tháng 4 năm 1947
HỒ CHÍ MINH''
(Trích từ bức thư ngày 29/4/1947 “Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế”)
Những tình cảm cao quý, những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước nhiệt thành của Bác và Cụ Huỳnh qua những câu chuyện đầy xúc động có sức lay động, lan tỏa, tự hào với mỗi người dân đất Việt, Mãi là nguồn động viên, cổ vũ cho quê hương đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
 

Phan Quý
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website