BÁC HỒ VỚI TẾT TRỒNG CÂY
08/01/2019 9:00:09 CH
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, trong không khí tươi vui, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Người năm xưa, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, trong không khí tươi vui, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Người năm xưa, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta.       
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn yêu thiên nhiên, theo lời của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, “Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai người bạn đời thân thiết đó là con người với thiên nhiên”. Người sống gần gũi với thiên nhiên, nơi ở của Người, đâu đâu cũng thấy bóng mát của cây cối, hương thơm cây cỏ, âm thanh muôn loài. Người coi việc sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên như một cách để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ.  
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, sống và làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc, cuộc sống giữa núi rừng đầy gian nan cực khổ, dù bận trăm công ngàn việc, cơ quan thường xuyên phải di chuyển, nhưng Bác vẫn rất coi trọng việc trồng cây, bảo vệ rừng và bảo vệ thiên nhiên. Quan điểm của Người là trồng cây không chỉ làm phương tiện mà còn là để gây rừng, tạo ra lợi ích kinh tế. Những ngày gian khổ ở Việt Bắc, Bác đã đề xướng và đi đầu trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm như trồng ngô, trồng khoai, trồng rau... nhằm cải thiện đời sống của bộ đội, cán bộ và khi di dời đến nơi khác thì để lại lợi ích đó cho nhân dân. Người luôn coi thiên nhiên như một người bạn gần gũi nhất trong cuộc sống đời thường, luôn gắn bó với thiên nhiên, hòa quyện với thiên nhiên, đó là một tâm hồn cao đẹp, nét đặc trưng của một nhà văn hóa lớn.
Khi trở về làm việc trong Phủ Chủ tịch, sự hòa hợp và thân thiện với thiên nhiên của Bác thể hiện trong việc Bác chỉ sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn đơn sơ, được bao bọc bằng cây xanh. Tại đây, Bác vẫn trồng cây, nuôi chim, đào ao thả cá. Người sống và làm việc giữa những người bạn thiên nhiên tâm giao thân thiết, giữa những suy nghĩ cho vận mệnh đất nước là những phút thả hồn vào muôn hoa vạn vật… Và cho đến nay, về mặt khoa học, cũng như về ý nghĩa môi trường sinh thái, vườn cây trong khu Phủ Chủ tịch là một vườn cây quý hiếm, thể hiện sự phong phú về sinh vật cảnh của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề phải đấu tranh chống lại những tai họa của thiên nhiên, quan tâm đến việc trồng cây và bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Theo Bác, trồng cây ngoài ý nghĩa to lớn là để cho môi trường tự nhiên và quang cảnh đất nước trở nên tươi đẹp hơn thì còn ý nghĩa thiết thực nữa là để chuẩn bị lấy gỗ làm nhà ở cho nhân dân. Ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901, trong đó Bác chỉ ra: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”.
Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng và mong muốn trong 10 năm đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đồng thời đề nghị tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Tại thời điểm đó, Bác đã tính “ở miền Bắc có độ 14 triệu, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây… Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong hai mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Cuối bài báo, Bác Hồ đã viết Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt nam.
Sáng 11/1/1960, không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân thật sôi nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”.
Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.
Ngày 05/01/1961 (ngày 9 tháng Chạp năm Canh Tý), Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, tỉnh Vĩnh Phúc – nơi có phong trào trồng cây hai bên đường và trên các bãi đất trống. Bác ôm ghì 2 đồng chí lãnh đạo của xã thật chặt và hỏi: “Các chú có thấy khó chịu không?”. Rồi Bác ôn tồn bảo: “Cây cũng như người, nó phải có khoảng cách để sống và phát triển, các chú cần hướng dẫn nhân dân trồng cây theo kỹ thuật, trồng cây nào tốt cây đó”.
Trên báo Hà Đông ra ngày 20/1/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây”, một lần nữa Bác lại nhấn mạnh: Muốn xây dựng nông thôn mới, việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây…
          Trong những lần thăm nước bạn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, Bác đều tổ chức trồng cây lưu niệm. Người đã trồng cây Đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở Nga và tặng chúng những cái tên thân mật là “những cây hữu nghị”. Theo thời gian, cây cối lớn dần lên cũng giống như tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới ngày càng thêm thân tình, gắn bó. Những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Bác Hồ vẫn kêu gọi nhân dân trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước. Bác viết: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây ngày 5/2/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, và nhắc nhở “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”. Trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, sức khỏe của Bác yếu nhiều, những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây, nhưng Người vẫn rất kiên quyết. Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16.2.1969), Bác đã tự tay trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.
Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, Bác vẫn không quên nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”. Di chúc của Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng. Người viết: “Nếu có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời. Từ lời Người dạy, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tình trạng chảy máu rừng vẫn còn rất nhiều, đất nước đang hứng chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, vì thế việc học tập và làm theo lời dạy của Bác càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
          Ngày nay, những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào này đã trở thành những cây cổ thụ trên các đường phố, nẻo đường của các làng bản, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước. Những cây đa, cây si… Bác Hồ tự tay trồng khi đến thăm một địa danh nào đó, thì nay đã trở thành những di tích lịch sử văn hóa.
Nhìn những hàng cây cao tỏa bóng mát trên đường vào nhà Bác hôm nay, ít ai biết rằng, những hàng cây cổ thụ đó được nhân dân Nam Đàn trồng theo lời dạy của Bác trong dịp Người về thăm quê lần thứ hai. Hiện nay, cùng với phong trào nông thôn mới, nhân dân huyện Nam Đàn hăng hái trong việc xây dựng khối xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, việc trồng thảm hoa hai bên đường được người dân hưởng ứng nhiệt tình, người người trồng hoa, nhà nhà trồng cây. Người dân đã thực sự chú trọng đến cảnh quan môi trường, đến việc giữ gìn và làm cho môi trường sống thêm xanh, sạch, đẹp, trong lành mát mẻ. Đó cũng chính là mong muốn của Bác, là mục đích cao đẹp của việc trồng cây mang lại. Về thăm nhà Bác hôm nay, du khách sẽ nhận thấy cảnh quan nơi đây có nhiều thay đổi, cây xanh, cây cảnh, hoa tươi được người dân trồng nhiều hai bên đường làm cho khung cảnh làng quê thanh bình càng thêm ấn tượng trong lòng du khách và bầu bạn quốc tế.
Các thế hệ người dân Nam Đàn nói riêng và nhân dân cả nước nói chung  sẽ mãi mãi giữ vững truyền thống tốt đẹp về Tết trồng cây của Người, để những thế kỷ xanh này đến những thế kỷ xanh khác mãi mãi nối dài trên đất nước Việt Nam.
 

                                      Phạm Thị Oanh
Phòng TTGD
 
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website