BÁC HỒ VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH MỒNG HAI THÁNG CHÍN
16/08/2018 2:15:42 CH
Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhân dân Việt Nam vỡ òa trong niềm hân hoan hạnh phúc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu. Bản đồ thế giới phải sửa lại vì sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhân dân Việt Nam vỡ òa trong niềm hân hoan hạnh phúc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu. Bản đồ thế giới phải sửa lại vì sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Related image   Nhân dịp kỉ niệm 73 năm ngày cách mạng tháng Tám thành công và quốc khánh 2/9, chúng ta cùng nhau ôn lại một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc gắn liền với công lao vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          Hai mươi mốt tuổi, với hai bàn tay trắng và một trái tim yêu nước thương dân, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ròng rã 30 năm đến khắp các châu lục, Bác trải qua nhiều nghề gian khổ như “bồi” tàu, “bồi” khách sạn, rửa ảnh, vẽ sơn mài, cào tuyết,… để sống, để đi và để hoạt động cách mạng. Nơi đất khách quê người, Bác đã từng đón rất nhiều cái tết nguyên đán trong nỗi nhớ đất nước, quê hương da diết cùng với biết bao dự định lớn lao.
          Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ của chúng ta trở về Tổ Quốc trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Niềm vui đón Bác, cố nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại bằng những vần thơ xúc động thiêng liêng:
                             Ôi sáng Xuân nay xuân bốn mốt
                             Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
                             Bác về im lặng con chim hót
                             Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ
                             Bác đã về đây Tổ Quốc ơi
                             Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người
                             Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
                             Mà đến bây giờ mới tới nơi.
          Hành trang theo Bác về Pác Pó (Cao Bằng) vẻn vẹn chỉ có một chiếc vali mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu “Con đường giải phóng” tập hợp những bài giảng của Bác ở Quảng Tây (Trung Quốc). Cuộc sống ở Pác Pó hết sức kham khổ, đạm bạc. Bữa ăn chỉ có rau bí, măng rừng, ăn cháo, ăn ngô như Người nói “cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”. Nơi nằm chỉ là cái hang nhỏ hẹp ẩm thấp. Jonh Kennedy con trai Tổng thống Mỹ Kennedy thăm Pác Pó đã viết: “Tôi không thể hiểu được tại sao trong cái hang nhỏ hẹp ẩm thấp như vậy mà Hồ Chí Minh lại nghĩ ra được cả một kế hoạch lâu dài để giành lại đất nước”. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng tâm tình bộc bạch.
                             Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
                             Có hay đâu hang Pác Pó gió lùa
                             Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
                             Mảnh áo choàng Bác mặc quá đơn sơ.
          Trong gian nan vất vả đó, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương VIII từ ngày 10 đến 19/5/1941. Bác phân tích, đánh giá sáng suốt tình hình Quốc tế và trong nước, đề ra nhiều chủ trương quan trọng, đặc biệt đưa vấn đề chống đế quốc, tay sai giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị Trung ương 8 là sự phát triển hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược do Hội nghị Trung ương 6 (năm 1939) và Hội nghị Trung ương 7 (năm 1940) của Đảng đề ra. Chủ trương đó thể hiện tư duy chiến lược, nhạy bén của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời phản ánh đúng khát khao nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân: thoát khỏi ách áp bức của đế quốc và phong kiến tay sai; được nhân dân ủng hộ, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh toàn dân tộc.
          Bác Hồ chủ động, xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa dành thắng lợi. Người quyết định thành lập mặt trận Việt Minh bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp yêu nước trong xã hội như: Nông dân cứu quốc, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc.
          Cuối năm 1941, Bác cho xây dựng thí điểm đội vũ trang ở Cao Bằng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đội làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị, quân sự cho các đội tự vệ, du kích. Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng ngày càng phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22/12/1944 với nhiệm vụ hoạt động vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị với quân sự. Sau khi mới thành lập, đội đã tiêu diệt gọn 2 đồn giặc ở Phay Khắt và Nà Ngần. Để đẩy nhanh việc chuẩn bị khởi nghĩa, giữa tháng 4/1945 Bác Hồ cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, sát nhập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam giải phóng quân. Lực lượng cách mạng chính trị và lực lượng vũ trang không ngừng trưởng thành lớn mạnh tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho tổng khởi nghĩa.
          Chiến tranh thế giới chuyển biến nhanh chóng, Bác Hồ phát hiện ra mâu thuẫn giữa Mỹ – Anh – Pháp về vấn đề thuộc địa và Đông Dương. Bác đã gặp đại diện Mỹ ở Côn Minh bàn phương thức hợp tác Việt Minh – Mỹ. Mỹ giúp ta một số súng đạn, thuốc men, một số quân tình nguyện, …. Việt Minh cung cấp cho Mỹ nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của Nhật, cứu và giúp đỡ nhiều phi công Mỹ rơi trên đất ta. Đó là những quyết định sáng suốt, kịp thời tranh thủ họ, vừa hạn chế họ, nhằm “thêm bạn, bớt thù” cho cách mạng nước ta.
          Với tầm cao trí tuệ và thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Bác Hồ và Đảng ta đã nắm chắc thời cơ cách mạng, nhanh chóng đề ra chủ trương, kế hoạch tổng khởi nghĩa, đoàn kết dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ Quốc.
          Tháng 8/1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sục sôi. Điều kiện tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Bác khẳng định: Thời cơ đã tới, dù hi sinh tới đâu cũng phải dành cho được độc lập. Nắm chắc thời cơ đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng chuẩn bị gấp và triệu tập hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây, Người đã chủ trương phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải pháp quân đội Nhật. Bác ra chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và phát động cao trào “Kháng Nhật cứu nước”. Ngay sau đó, Người đã gửi thư kêu gọi tới đồng bào cả nước: “…toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, dùng sức ta mà giải phóng cho ta. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
          Đáp ứng lời kêu gọi của Bác và Đảng ta, nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, từng trải qua những cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất cho độc lập tự do đã nhất tề đứng lên cứu nước, cứu nhà.
          Cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám thành công. Ngay sau khi giành thắng lợi, Bác Hồ đã soạn thảo tuyên ngôn độc lập, quyết định ngày ra mắt quốc dân và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945.
Thắng lợi cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một trong những  thắng lợi nổi bật nhất, vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Cách mạng tháng Tám do Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn dựa trên cơ sở lý luận Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc ta. Nó đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị gần chục thế kỉ ở nước ta, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, mở ra kỉ nguyên mới của dân tộc: kỉ nguyên độc lập, tự do, kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trường tồn cùng dân tộc, sống mãi trong lòng nhân dân ta.
Đất nước đang bước vào một mùa thu mới. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tưng bừng kỉ niệm 73 năm ngày cách mạng tháng Tám thành công và quốc khánh 2/9. Chúng ta như được sống lại bầu không khí sôi động, náo nức ngày nào và mỗi chúng ta lại trào dâng nỗi nhớ Bác:
                   Ôi giữa lòng ta Bác đến tự bao giờ
                   Mỗi buổi sáng nhìn lòng ta, ta thấy Bác
Người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, Người mà mỗi lần nghĩ đến “Nước mắt ràn ta cảm hết ơn sâu” (Chế Lan Viên)
Trong những ngày mùa thu lịch sử, du khách con cháu trở về thăm khu di tích Kim Liên, nơi ghi dấu những tháng năm Bác gắn bó tại quê hương, với cả tấm lòng biết ơn vô hạn và nguyện “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách” của Người, biến khẩu hiệu “Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” thành hành động, việc làm cụ thể.
Thật xúc động, đến cả một du khách nước ngoài, Tổng thư kí Đảng đoàn kết dân tộc Pêru về thăm Khu di tích Kim Liên đã phát biểu cảm tưởng: “Chúng tôi rất ngạc nhiên vế tấm gương giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi vô cùng xúc động trước di tích lưu niệm của Người. Học tập tấm gương của Người, tôi thề hiến đời mình cho độc lập và tự do của nhân dân tôi”. Điều này cũng lí giải vì sao, hàng năm Khu di tích Kim Liên đã đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế về thăm với lòng ngưỡng mộ, cảm mến và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
                                                                             Lê Thị Hà
                                                            Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website