Bác Hồ tỏa sáng một phong cách giản dị, cao quý qua những vần thơ
13/05/2020 7:58:26 SA
Viết về Bác là cả một niềm tin yêu và vinh dự lớn trong cuộc đời cầm bút của các nghệ sỹ. Bởi vì "tên Người - Hồ Chí Minh là cả một niềm thơ". Thơ viết về Bác phong phú nội dung, đa dạng thể loại. Mỗi bài thơ có cái hay riêng, một dấu ấn riêng. Nhưng tất cả thể hiện niềm tôn kính, yêu thương, tri ân công lao của vị cha già dân tộc.

Đặc biệt những vần thơ đã diễn tả được chân thực, đầy xúc động nét đẹp của phong cách Hồ Chí Minh: Sự giản dị - cao quý, một di sản quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam.
          Giản dị có nghĩa là đơn sơ, bình dị, không phô trương, không xa hoa. Bác Hồ giản dị mà không giản đơn, bình dị mà không tầm thường. Trong cái bình dị của Người ta gặp một tâm hồn vĩ đại. Vĩ đại mà rất gần gũi, tự nhiên. Suốt cuộc đời, Bác đều sống một cuộc sống vô cùng bình thường, khiêm tốn "hy sinh tất cả chỉ quên mình" vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Có người cho rằng: "Giản dị là lối sống nổi bật của Bác Hồ". Đúng vậy, Bác của chúng ta giản dị trong tất cả mọi việc: Bữa ăn, nơi ở, cách ăn mặc, trong nói và viết đến phong cách làm việc. Qua những vần thơ, trước hết ta thấy Bác giản dị từ bữa ăn, nơi ở, cách ăn mặc:
          - Ba gian nhà trống nồm đưa võng
            Một chiếc giường con chiếu mỏng manh
                                                                   (Tố Hữu)
          - Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép
           Manh áo chàm, Bác mặc quá đơn sơ
                                                                  (Chế Lan Viên)
          - Đôi dép của Người mòn vẹt gót
           Người đã đi khắp ngả đường đất nước hành quân
                                                                 (Nguyễn Khoa Điềm).
Dù là cậu Nguyễn Sinh Cung còn nhỏ hay anh Văn Ba lúc ra đi tìm đường cứu nước, người chiến sỹ cách mạng Nguyễn Ái Quốc hay Chủ tịch nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh thì Người vẫn là "Bác Hồ"," là cha, là bác, là anh" vô cùng bình dị, thân thiết của mỗi gia đình. Bác tiêu biểu cho nếp sống giản dị và khiêm tốn. Ba mươi năm xa nước, ngày trở về Pắc Bó trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác sống rất gian khổ như câu thơ Người đã viết "cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng". Bữa ăn chỉ có vài ba món đơn giản: cá kho hoặc thịt luộc cùng với bát canh, dưa cà.
       "Bác thường để lại đĩa thịt gà, mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ"
                                                                (Việt Phương)
Nơi ở là nhà tranh liếp nứa, phên đất, có khi là cái hang nhỏ hẹp ẩm thấp, căn nhà sàn bằng gỗ mộc. Bộ quần áo đã bạc màu sương gió, đôi dép cao su bốn mùa đã mòn quai gót. Chính nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc Quách Mạt Nhược cũng viết về Bác Hồ:
          "Dép lốp, áo cánh cộc
           Mặt hồng hào vẻ xuân
           Đón ôm tôi thật chặt
           Nói sao hết tình thân".
Bác giản dị như chính phong cách sống của gia đình và bởi nặng lòng yêu nước thương dân. Người hiểu rõ tình hình đời sống của đất nước, muốn chia sẻ, hòa mình vào cuộc sống còn nhiều thiếu thốn của nhân dân. "Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, chúng ta không thể sống khác đồng bào, mỗi người kể cả Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm". Đó là tấm lòng của một lãnh tụ đồng cam cộng khổ với nhân dân. Tất cả đã làm nên sự cao quý vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          - Mong manh áo vải hồn muôn trượng
            Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
                                                          (Tố Hữu)
          - Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự bao giờ
            Bác vĩ đại nhưng chẳng làm ai kinh ngạc
                                                         (Chế Lan Viên)
Các nhà thơ viết về lãnh tụ vĩ đại nhưng không thần thánh hóa mà chọn những từ ngữ rất bình dị để khắc họa đúng con người Bác: Gần gũi, thân thuộc, hòa vào quần chúng.
          Hồ Chí Minh, người lính già
          Đã quyết chí hy sinh
          Cho Việt Nam độc lập
          Cho thế giới hòa bình
                                         (Tố Hữu)
"Người lính già" cho độc giả hình dung cụ Hồ là người rất mộc mạc, thân thương với quần chúng nhân dân. Ở Bác, cái vĩ đại gắn liền với sự gần gũi, giản dị. Hay nói cách khác, giản dị - cao quý là nét đẹp đặc trưng, xuyên suốt, sáng ngời của phong cách Hồ Chí Minh.
          - Bác ngồi đó lớn mênh mông
            Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non
                                                                      (Tố Hữu)
          - Ôi lòng Bác bao la trong Di chúc
            Vẫn hạt lúa, củ khoai, chân chất bình thường
                                                                     (Việt Phương)
Phong thái ung dung, sự bình dị của Người bắt nguồn từ một thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, là sự kết hợp nhuần nhuyễn nét đẹp của tính cách dân tộc với đạo đức cộng sản. Điều đó có sức cảm hóa kỳ diệu tình cảm mọi người và qua đó Bác càng trở nên vĩ đại. Chỉ bằng hai câu thơ trên, tác giả Tố Hữu và Việt Phương đã hòa quyện hai yếu tố vĩ đại - bình dị trong con người chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về nói và viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất giản dị. Cử chỉ, lời nói hết sức mộc mạc, dễ hiểu, chân tình, ấm áp, thuần phác từ đáy lòng:
          - Bác đến giữa đêm chiến sỹ mình đang ngủ
            Bác bảo "đừng làm ồn" Bác lặng nhìn suốt lượt
                                                                    (Trần Ninh Hồ)
          - Chú cứ việc ngủ ngon
            Ngày mai đi đánh giặc
            Bác thức thì mặc Bác
            Bác ngủ không an lòng
                                             (Minh Huệ)
Ngay cả khi đứng trên lễ đài đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Người cũng dừng lại hỏi "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Với câu hỏi này Bác đã xóa đi khoảng cách giữa vị lãnh tụ với quần chúng nhân dân.
          - Ôi câu hỏi hơn một lời kêu gọi
            Rất đơn sơ mà ấm bao lòng
          ... Vâng, Bác nói chúng con nghe rõ
           Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông
                                              (Tố Hữu)
          - Ôi giọng Người hiền như giọng cha ông
            Cứ mộc mạc mà thấm vào mãi mãi
                                              (Vũ Quần Phương)
Chưa bao giờ Bác nặng lời chỉ trích ai. Bác nhẹ nhàng nhắc nhở. Người khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe. Vì thế một nhà văn Mỹ đã ca ngợi "Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã". Bác thường viết ngắn gọn, súc tích để nhân dân dễ hiểu, dễ nhớ.
          - Trẻ em như búp trên cành
             Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan
          - Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
            Tùy theo sức của mình
Chúng ta thường nói văn là người, có lẽ vì thế mà văn phong của Bác luôn giản dị, trong sáng thể hiện một cốt cách, một bản lĩnh văn hóa vừa dân tộc lại vừa hiện đại. Người rất ghét nói hoặc viết dài dòng khó hiểu, dùng chữ nước ngoài một cách tùy tiện. Chính vì thế những bài nói, bài viết của Bác thường ngắn gọn, những câu thơ dễ hiểu đã đi thẳng vào lòng người. Không chỉ nói, Bác làm việc thật sự. Suốt đời, Bác là sự nêu gương. Có mấy ai mà một vị Chủ tịch nước lúc ăn xong tự mình sắp xếp gọn gàng bát đĩa để đồng chí phục vụ đỡ vất vả. Bác cũng nuôi cá cải tạo môi trường, cải thiện bữa ăn. Người đào đất trồng cây, trồng hoa, xắn quần cao lội ruộng, tát nước chống hạn, đánh cá, làm muối với nông dân, ngư dân. Bác đi đến từng nơi, quan tâm mọi ngành nghề, lứa tuổi. Bác không thích tiếp đón linh đình. Bác thường chuẩn bị cơm mang theo để tránh phiền hà, tốn kém của nhân dân. Mặc dù sức khỏe đã yếu, Bác vẫn cố gắng viết thư thăm hỏi, động viên đồng bào.
          Nhớ ngày quê cháu tan hoang
          Lụt trôi Bác gởi lúa vàng vào cho
          Nhớ khi nhà cháu ra tro
          Bác đưa Bộ đội về lo che dùm
                                                   (Thanh Hải)
Mọi thế hệ người Việt Nam và bầu bạn Quốc tế đều có ấn tượng sâu sắc không thể nào quên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người có phong cách khiêm tốn, giản dị, đời thường mà vô cùng cao quý. Như tiến sỹ Sacơrabôrôty ở Ấn Độ đã khái quát "Cụ Hồ mặc quần áo giản dị, nói những lời giản dị, cách cư xử và tính nết giản dị, viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, xuất hiện một cách giản dị với vẻ mặt tươi cười làm tỏa ra một sự trong sáng của một tâm hồn giản dị”.
          Tháng 5 - tròn 130 năm, cả đất nước vui mừng kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Du khách đến với Khu di tích Kim Liên,về thăm nhà Bác, ai cũng rưng rưng xúc động:
          Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời
          Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa
          Chiếc giường tre quá đơn sơ
          Võng gai ru mát những trưa nắng hè
                                                            (Nguyễn Đức Mậu)
Vào phòng trưng bày nhìn những kỷ vật Người để lại hẳn chúng ta không cầm được nước mắt. Trang phục của vị nguyên thủ quốc gia chỉ có hai bộ quần áo đã cũ, đôi dép và một vài đồ dùng khác. Tất cả đều đơn sơ, giản dị đến vô cùng.
          Vẫn bộ áo nâu quen thuộc
          Đôi dép cao su bốn mùa
          Bạc phơ chòm râu gió mát
          Bác về thăm lại quê xưa
Tháng 5 sinh nhật Bác, chúng con - những người vinh dự được sống và làm việc trên quê hương của Bác mong muốn được bày tỏ niềm tự hào, kính phục, yêu thương và tri ân vô hạn công lao của Bác.
          Ngày sinh nhật Bác kính yêu
          Chúng con muốn gửi vạn điều nhớ ơn
          Bác nay tuy đã chẳng còn
          Mà công ơn Bác đượm hồn núi sông
Chúng con nguyện mãi mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người như nhà thơ Tố Hữu viết:
          Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
          Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
          Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
          Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn
     Chủ tịch Hồ Chí Minh - tên tuổi của Người đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam và nhân loại. Người còn trở thành một hình tượng thi ca bất diệt, đẹp đẽ, rực rỡ và giàu cảm xúc nhất. Phong cách giản dị - cao quý của Người vẫn luôn tỏa sáng trong những vần thơ./.

                                                                                     Lê Hà
                                                                         Tuyên truyền giáo dục
                                                                         Khu Di tích Kim Liên

Thông tin tham quan

Liên kết website