BÀ HOÀNG THỊ LOAN - NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẢM ĐANG, NHÂN HẬU (Nhân lễ giỗ lần thứ 120 của bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, 22 tháng Chạp năm Canh Tý 1901)
01/02/2021 10:47:15 SA

Nhân gian có câu: “Phúc đức tại mẫu”. Từ xưa tới nay, người phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng trong mỗi gia đình: là hậu thuẫn cho chồng trong sự nghiệp, chăm sóc, dạy dỗ các con, đồng thời là sợi dây kết nối yêu thương cho các thành viên và các thế hệ. Vẻ đẹp ấy đã trường tồn với thời gian bởi được dệt nên từ tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh cao cả của người con, người vợ, người mẹ trong mỗi gia đình.  Tấm gương tiêu biểu nhất đó là bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của chủ tịch Hồ Chí Minh – một người phụ nữ đảm đang, một trái tim nhân hậu.
Sinh trưởng trong cái nôi văn hóa Xứ Nghệ với truyền thống yêu nước nồng nàn, bà Hoàng Thị Loan là con gái đầu lòng của cụ Hoàng Đường – cụ bà Nguyễn Thị Kép, một gia đình nho học nhân văn có tiếng. Ngoài tình thương yêu dành cho 2 cô con gái của mình, gia đình còn nhận nuôi thêm cậu học trò nghèo Nguyễn Sinh Sắc. Cô gái Hoàng Thị Loan từ nhỏ đã là một cô bé thông minh, giỏi giang trong công việc lao động, khéo léo trong nghề xe tơ dệt vải. Mặc dù “nữ nhi” dưới chế độ phong kiến không được học hành, thế nhưng cô vẫn học được ít nhiều chữ Hán, say mê hát ví, hát dặm, trở thành một trong những người hát ví phường vải hay nhất của Chung Cự lúc bấy giờ; sự chịu thương, chịu khó, tình yêu quê hương đất nước, con người, sẻ chia trong cuộc sống đời thường trong cô ngày một lớn lên, trở thành người con gái vẹn toàn đức hạnh.
          Tuổi trăng tròn của cô gái ấy thật đẹp, là niềm mơ ước kết duyên của nhiều chàng trai giàu có lúc bấy giờ. Thế nhưng vượt qua lễ giáo phong kiến hà khắc “môn đăng hộ đối’ cô gái Hoàng Thị Loan đã đem lòng thương yêu chàng trai mồ côi Nguyễn Sinh Sắc. Bà Hoàng Thị Loan bắt đầu bước vào cuộc đời làm vợ năm 15 tuổi, 22 tuổi đã là mẹ của ba người con thơ. Cũng từ đây, bà dành trọn cuộc đời cho người chồng và các con yêu quý của mình. Từ năm 1883 đến năm 1894, suốt 11 năm trong ngôi nhà tranh ba gian, bà con Hoàng Trù đã chứng kiến hình ảnh rất quen thuộc, đầm ấm, thi vị của đôi vợ chồng trẻ: “chàng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Ban ngày, bà một nắng hai sương chăm lo việc đồng áng, đêm đến lo cơm nước cho chồng con, tối khuya vẫn ngồi dệt vải, chị em cùng cảnh có hỏi, bà nói: gắng thức cho chồng học tập mong có kết quả cao hơn, vừa lại có thêm thu nhập cho gia đình.
Người con gái của một gia đình đồ nho đã dành trái tim nhân hậu của mình để đến với chàng trai mồ côi nghèo ham học. Cùng đó là những khó khăn vất vả của người phụ nữ làm nông phải gánh việc chăm lo nuôi con cho chồng học hành thi cử. Chính bà là người tạo ra vật chất duy trì cuộc sống gia đình và là nguồn cổ vũ tinh thần cho ông Nguyễn Sinh Sắc trên con đường sự nghiệp. Xúc động thay, mỗi khi tết đến xuân về hình ảnh của bà vẫn khoác trên mình tấm áo vá vai đã bạc màu qua thời gian; Khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân, bà con chạy ra tận ruộng báo tin cho bà Cử, bà nhẹ nhàng cảm ơn mọi người rồi vẫn từ tốn rốn lại để cấy cho đến quá trưa, xong thửa rộng mới trở về nhà.
Đậu được Cử nhân, ông Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội nhưng kỳ thi lần đầu ông không đỗ. Ông về bàn với vợ việc theo ông vào kinh thành giúp ông ăn học. Là người phụ nữ nông thôn chưa một lần đi xa, nhưng tầm nhìn của bà đã vượt qua lũy tre làng để đến với kinh thành hoa lệ, bởi nơi đó hội tụ đủ các điều kiện cho chồng được theo học, các con được trưởng thành. Chúng ta tìm thấy ở bà không chỉ là sự bao dung, vị tha mà còn có sự mạnh mẽ, quyết đoán của một người vợ người mẹ trước những quyết định lớn trong cuộc đời của chồng, con. Mảnh đất kinh thành xa lạ, ruộng vườn không có, cuộc sống của gia đình bộn bề những lo toan, khó khăn chồng chất, bà Hoàng Thị Loan tiếp tục chọn nghề dệt vải để kiếm kế sinh nhai. Bà phải lao động cật lực mới có thể cạnh tranh được với nghề dệt rất điêu luyện của mảnh đất cố đô. Năm 1900, bà sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin trong cảnh ngộ túng thiếu, chồng và con trai cả (Nguyễn Sinh Khiêm) đang vắng nhà. Do lao động quá sức nên bà Hoàng Thị Loan đã lâm bệnh nặng và đột ngột qua đời vào trưa ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10/2/1901), chỉ còn 8 ngày nữa là kết thúc năm cũ (Canh Tý), đón chào năm mới (Tân Sửu),  năm đó, bà bước sang tuổi 33. Đi suốt hành trình cuộc đời của bà, người mẹ, người vợ người phụ nữ nông thôn đảm đang chịu thương chịu khó, vượt lên tất cả đó là đức hi sinh là trái tim nhân hậu của người vợ theo đuổi đồng hành trên con đường cử nghiệp cùng chồng, nâng bước chân con khôn lớn trưởng thành.
Bà Hoàng Thị Loan đã trở về với cõi vĩnh hằng nhưng trái tim của bà vẫn mãi nồng ấm những thương yêu, chở che, bà đã kịp gửi gắm cả những ước mơ cuộc đời của mình trong sự nghiệp của chồng, tương lai của các con. Bằng tấm lòng nhân hậu và sự mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ cho con những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Với vốn hiểu biết văn hóa dân gian phong phú cùng những câu hò, điệu ví, qua những lời ru ngọt ngào, chứa chan tình cảm mẹ đã truyền tới các con tình yêu quê hương đất nước, tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái bao la. Chính trái tim nhân hậu, sự cần cù, chịu thương chịu khó, đức hi sinh cao cả ở bà đã có tầm ảnh hưởng lớn đến đạo đức, phong cách của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Để hôm nay khi chúng ta nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 của Văn Ba (Nguyễn Tât Thành) ta thấy đó là một sự hi sinh bởi Anh cũng là con một ông Phó bảng, được học hành có vốn chữ Hán và chữ Pháp để có một việc làm và cuộc sống giàu sang. Những tháng năm trên hành trình vạn dặm nếu không có sự chịu thương chịu khó và trái tim nghĩa lớn thì làm sao không khỏi dao động thậm chí bỏ cuộc trước lời nói của Bùi Quang Chiêu: “Những người như con sao lại làm nghề khó nhọc này, hãy tìm một nghề khác danh giá hơn” hay ông Élcopphie “Hãy bỏ ý nghĩ cách mạng ấy của anh đi, tôi sẽ dạy cho anh làm bánh và anh sẽ được nhiều tiền”. Hơn mười năm đi trên khắp các nước Pháp, Anh, Mỹ…chính là thời kỳ trai trẻ mà theo lẽ thường là lúc tình yêu đến với con người mãnh liệt nhất nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn dành gần như toàn bộ thời gian cho hoạt động cách mạng. Đó chính là sự hy sinh vĩ đại nhất: cả hạnh phúc riêng tư, gia đình riêng của mình. Phải chăng sự hy sinh cao cả, tấm lòng, trái tim nhân hậu của mẹ chính là mạch nguồn trong trẻo đã nuôi dưỡng người con ái quốc Hồ Chí Minh, sống mãi, trường tồn cho hôm nay.
Tưởng niệm 120 năm ngày mất của Bà Hoàng Thị Loan (22 tháng Chạp năm Canh Tý 1901-2021) cũng là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới trên quê hương, đất nước với sự kiện trọng đại: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,  tổ chức chính trị do người con ưu tú Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện đang có vai trò chủ đạo trong định hướng, dẫn dắt con đường đưa đất nước Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa. Là những người con được ngày ngày chăm sóc cho giấc ngủ ngàn thu của Bà, chúng tôi nguyện hứa sẽ nỗ lực tốt hơn với phần việc của mình để trái tim nhân hậu của mẹ Hoàng Thị Loan ngày càng được sưởi ấm, lan tỏa sâu rộng đến lớp lớp thế hệ con cháu chúng ta./.

                                                                                                         BQLKM
                                                                                                
 
                 

Thông tin tham quan

Liên kết website